Một thí nghiệm được tiến hành để đánh giá ảnh hưởng các mức độ protein và năng lượng của khẩu phần lên năng suất sinh sản (tỉ lệ đẻ trứng, tiêu tốn thức ăn, khối lượng trứng, khối lượng trứng (g/gà/ngày), hệ số chuyển hóa thức ăn), chất lượng bên trong (tỉ lệ lòng đỏ, lòng trắng, tỉ lệ lòng đỏ/lòng trắng) và bên ngoài (chỉ số hình dáng, độ dầy vỏ trứng) của trứng gà Ác nuôi trong chuồng hở. Tổng cộng có 384 gà Ác từ 20 đến 28 tuần tuổi ở giai đoạn đầu của kỳ đẻ trứng được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên với 2 yếu tố, yếu tố 1 là protein với 3 mức độ (14,5; 16 và 17,5%), yếu tố 2 là ME với 2 mức độ (10,5 và 11,5 MJ/kg), lặp lại 8 lần, mỗi lần là 8 gà mái đẻ. Kết quả cho thấy, khẩu phần có 16 hoặc 17% CP và ME là 11,7 MJ/kg cho năng suất sinh sản tốt nhất, ngược lại mức độ 14,5 % CP và 10,5 MJ/kg có năng suất thấp nhất. Tỉ lệ lòng đỏ, và lòng đỏ/lòng trắng giảm khi CP của khẩu phần tăng dần. CP và ME không ảnh hưởng lên độ dày vỏ trứng. Năng lượng và protein có ảnh hưởng lên năng suất sinh sản và chất lượng trứng của gà Ác.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Các giống gà lông màu nuôi thả vườn như gà Tre, gà Ri, gà Nòi, gà Tàu Vàng, gà Ta Vàng, gà Ác ở nước ta nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng rất được người tiêu dùng ưa chuộng vì sản phẩm thịt trứng thơm ngon miệng. Gà Ác là một trong những giống gà quý, được sử dụng rộng rãi trong các bài thuốc bổ dưỡng trong nhân gian. Các đặc điểm ngoại hình, đặc tính về sinh trưởng và sinh sản cũng như thành phần hóa học, acid béo và acid amin của thịt gà Ác đã được công bố trên nhiều tài liệu (Nguyễn Văn Thiện & cs, 2000; Trần Thị Mai Phương, 2004; Tran Thi Mai Phuong và Nguyen Van Thien, 2008). Tuy nhiên, hiện nay chỉ có vài nghiên cứu về nhu cầu protein và năng lượng cho gà Ác đẻ được công bố (Nguyễn Nhựt Xuân Dung & cs, 2014; Lưu Hữu Mãnh & cs, 2014). Gà Ác đang được chăn nuôi theo hướng công nghiệp để sản xuất trứng ở Tiền Giang, Long An và Vĩnh Long với qui mô lớn (Nguyễn Văn Yên, 2014). Gà Ác sinh sản sớm hơn các giống gà khác, khoảng 15 tuần tuổi đã bắt đầu rớt hột, do đó việc xác định nhu cầu dinh dưỡng như năng lượng và protein cho gà Ác là cần thiết nhất là trong giai đoạn đầu của chu kỳ đẻ trứng nhằm để khai thác năng suất tối đa và kéo dài tiềm năng sản xuất của gà mà không ảnh hưởng đến thể trạng gà.
Mục tiêu của đề tài là đánh giá ảnh hưởng của các mức năng lượng và protein lên năng suất sinh sản và các thành phần của trứng của gà Ác trong giai đoạn đầu của chu kỳ sản xuất trứng.
VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP
Thời gian, địa điểm và chuồng trại thực hiện thí nghiệm
Được thực hiện tại trại chăn nuôi gà đẻ trứng thương phẩm tư nhân tại xã Trung An, TP. Mỹ Tho, Tỉnh Tiền Giang.
Gà được nuôi trong chuồng hở được thiết kế theo hướng Đông Bắc – Tây Nam, cách trục lộ chính 2 km. Chuồng được xây dựng theo kiểu mái đôi lợp tole, kích thước 50 x 12 m. Bên trong gồm 2 dãy lồng xếp song song nhau, mỗi ô lồng nuôi 8 con gà mái đẻ. Hệ thống quạt mát gồm 2 quạt đặt ở đầu trại và giữa trại, khi nhiệt độ môi trường tăng cao lúc trưa nắng nóng hệ thống sẽ được khởi động.
Động vật, thức ăn nghiệm và các khẩu phần thí nghiệm
Thí nghiệm được thực hiện trên 384 con gà Ác đẻ trứng thương phẩm, ở giai đoạn 20-28 tuần tuổi, có khối lượng trung bình là 950 g, đã được tiêm ngừa và tẩy ký sinh trùng đầy đủ trước khi tiến hành thí nghiệm.
Thức ăn gồm có tấm, cám, bắp và thức ăn bổ sung khác như premix khoáng vitamin, premix gà đẻ. Đề tài tiến hành trên 6 khẩu phần như sau: Khẩu phần 1: CP 14.5% và ME 10,5 MJ/kg (P14.5E10.5); Khẩu phần 2: CP 16% và ME 10,5 MJ/kg (P16E10.5); Khẩu phần 3: CP 17.5% và ME 10,5 MJ/kg (P17.5E10.5); Khẩu phần 4: CP 14.5% và ME11,5 MJ/kg (P14.5E11.5); Khẩu phần 5: CP 16% và ME 11,5 MJ/kg (P16E11.5); Khẩu phần 6: CP 17.5% và ME 11,5 MJ/kg (P17.5E11.5).
Bố trí thí nghiệm
Thí nghiệm được bố trí theo thể thức thừa số hai yếu tố, yếu tố 1 là protein, với 3 mức độ là thấp CP (14,5%), vừa (16%) và cao (17,5%), yếu tố 2 là năng lượng, có 2 mức năng lượng là thấp (10,5 MJ/kg) và cao (11,5 MJ/kg), có tổng cộng 6 nghiệm thức, lặp lại 8 lần, có 56 đơn vị thí nghiệm (ĐVTN), mỗi ĐVTN là 1 ô chuồng nuôi 8 gà.
Chăm sóc nuôi dưỡng
Gà nuôi thí nghiệm được chăm sóc và nuôi dưỡng trong cùng một điều kiện, cho ăn 2 lần/ngày, cho ăn thức ăn vào buổi chiều khoảng 15 giờ và vào sáng hôm sau khoảng 4 giờ 30. Mỗi ngày cân thức ăn thừa lúc 14 giờ, rồi cân thức ăn mới cho vào máng ăn. Nước uống được bơm từ giếng khoan, dự trữ trong bồn và cung cấp cho gà uống hàng ngày. Gà chiếu sáng bằng đèn từ 18 đến 21 giờ và sáng từ đến 6 giờ, bằng bóng đèn chữ U. Gà được tiêm phòng và tẩy ký sinh trùng trước khi tiến hành thí nghiệm.
Phương pháp lấy mẫu trứng
Bảng 1: Thành phần hóa học của các khẩu phần

Để đánh giá chất lượng và các thành phần của trứng gà Ác, trước khi kết thúc TN, mỗi ĐVTN lấy 6 quả, liên tục 2 ngày, sau đó chọn ra 4 quả/ĐVTN đem về phòng thí nghiệm để khảo sát các tính chất của trứng.
Phân tích hóa học
Tiến hành phân tích thành phần hóa học của thức ăn như vật chất khô, tro, protein thô, calci, phospho, béo, chất xơ trung tính và xơ thô.
– Tỉ lệ đẻ (%) và khối lượng trứng được thu thập hàng ngày.
– Tiêu tốn thức ăn (TTTA, g/con/ngày) = lượng cho ăn (g) – lượng thức ăn thừa (g).
– Khối lượng trứng (g/gà/ngày) = Khối lượng trứng (g) * tỉ lệ đẻ (%).
– Hệ số chuyển hóa thức ăn = TTTA (g/gà/ngày) / Khối lượng trứng (g/gà/ngày).
– Độ dày vỏ (mm): đo độ dày vỏ trứng bằng phép chuyên dụng, tách rời màng vỏ trứng ra. dựa trên 3 điểm: đầu lớn, xích đạo và đầu nhỏ của quả trứng.
– Tỷ lệ các thành phần của quả trứng.
Xử lý số liệu
Số liệu thu thập và xử lý sơ bộ bằng chương trình Excel, sau đó được phân tích phương sai bằng mô hình Tuyến tính tổng quát (General Linear Model) của chương trình Minitab 16.1.0. Để xác định mức độ khác biệt ý nghĩa của các nghiệm thức tiến hành so sánh cặp bằng phép thử Turkey.
Mô hình xử lý thống kê như sau: Yij = μ + αPi + ßEj + (P*E)ij + εij; với:
Y: Giá trị biến phụ thuộc thứ i, j của gà nuôi trong nghiệm thức T và E; µ: Trung bình quần thể; Pi: Ảnh hưởng của yếu tố protein, i = 1-3; Ej: Ảnh hưởng của mức độ năng lượng, j=1-2; (P*E)ij: ảnh hưởng tương tác của các mức protein i và năng lượng j;eij: Ảnh hưởng của yếu tố ngẫu nhiên.
KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
Ảnh hưởng các mức độ protein
Các mức độ protein trong khẩu phần tuy không ảnh hưởng lên tỉ lệ đẻ trứng của gà Ác (P=0,09), nhưng gà nuôi khẩu phần có CP16 (57,65%) và CP17.5 (57,08%) có khuynh hướng sản xuất nhiều trứng hơn khẩu phần có CP14.5 (52,88%). Gà nuôi khẩu phần có CP16 cho quả trứng có khối lượng nặng hơn khẩu phần CP17.5 và CP14.5 (P=0,01); do đó khối lượng trứng (g/gà/ngày) ở khẩu phần CP16 (18,85 g) và CP17.5 (18,52 g) cao hơn khẩu phần có CP14.5 (16,94g). Leeson (1989) cho rằng gà mái nuôi khẩu phần nhiều protein sản xuất ra quả trứng lớn hơn gà nuôi khẩu phần protein thấp.
Bảng 1: Ảnh hưởng của protein lên năng suất sinh sản của gà Ác đẻ

Tuy nhiên, các mức độ protein của khẩu phần không ảnh hưởng lên lượng ăn vào (g/ngày) cũng như lượng cho ăn để sản xuất ra một quả trứng (g/trứng) và cũng không có sự khác biệt về hệ số chuyển hóa thức ăn. Mức tiêu thụ dưỡng chất như vật chất khô và năng lượng cũng không bị ảnh hưởng bởi các mức độ protein của khẩu phần, tuy số lượng protein ăn vào (g/ngày) cao nhất ở NT có CP17.5 (10,18 g) và CP16 (9,16 g) so với mức có CP14.5 (8,08 g/ngày). Kết quả thí nghiệm tương tự với báo của của Nguyễn Nhựt Xuân Dung & cs. (2014) trên gà Ác đẻ giai đoạn 28-34 tuần tuổi ở khẩu phần 15,5 đến 17,34% protein và 11,1 MJ/kg, có tỉ lệ đẻ và khối lượng trứng tương đương nhau, tuy nhiên trong thí nghiệm này chỉ ra rằng khi hạ mức độ protein xuống tới 14,5% thì ảnh hưởng rất rõ rệt lên khối lượng quả trứng và khối lượng trứng của gà/ngày cũng như tỉ lệ đẻ.
Như vậy, đối với gà Ác đẻ, mức độ 16% đảm bảo được năng suất sinh sản của gà trong giai đoạn đầu của kỳ đẻ trứng. Nhu cầu protein của gà Ác đẻ tương tự nhu cầu của gà công nghiệp mặc dù năng suất sinh sản của chúng thấp hơn và khối lượng trứng nhỏ hơn, do đó lượng ăn vào của chúng cũng chỉ bằng một nữa của gà công nghiệp.
Ảnh hưởng các mức độ năng lượng
Bảng 2: Ảnh hưởng của năng lượng lên năng suất sinh sản của gà Ác đẻ trứng

Các mức độ năng lượng không ảnh hưởng lên tỉ lệ đẻ trứng, khối lượng trứng, tiêu tốn thức ăn và hệ số chuyển hóa thức ăn của gà ác (P>0,05, Bảng 2).
Tương tự, các mức độ năng lượng của khẩu cũng không ảnh hưởng mức tiêu thụ dưỡng chất như vật chất khô và protein ăn vào, tuy nhiên số lượng ME ăn vào cao hơn ở NT có mức ME11.5 (641 kJ/ngày) so với mức có ME10.5(608 kJ/ngày). Kết quả thí nghiệm tương tự báo cáo của Summers và Leeson (1993) và Peebles & cs (2000) rằng khối lượng trứng không thay đổi khi tăng năng lượng khẩu phần ở gà hậu bị Leghorn. Niekerk và Reuvekamp (2009); Elwinger & cs, (2008) cũng cho rằng tăng năng lượng khẩu phần không ảnh hưởng lên năng suất và chất lượng trứng. Các tác giả như Grobas & cs (1999), Çiftci & cs (2003) báo cáo là các mức độ năng lượng không ảnh hưởng tới khối lượng trứng. Tuy nhiên, kết quả thí nghiệm ngược lại kết quả của Sell & cs (1987) rằng tăng năng lượng của khẩu phần cải tiến có ý nghĩa tỉ lệ đẻ, khối lượng trứng và khối lượng trứng.
Leeson & cs (1993) cho rằng gà tiêu thụ thức ăn trước hết là để đáp ứng nhu cầu năng lượng. Sự tiêu thụ năng lượng dư thừa dẫn tới tích lũy mỡ và hậu quả là giảm tỉ lệ đẻ (Rosenboim & cs 1999). Trái lại vài tác giả báo cáo là tăng năng lượng ăn vào làm tăng khối lượng trứng ở gà Leghorn thương phẩm (Harms & cs, 2000; Sohail & cs, 2003) và gà giống sản xuất thịt (Spratt và Leeson, 1987). Các mức năng lượng không ảnh hưởng lên năng suất sinh sản của gà Ác thí nghiệm có thể là do khoảng chênh lệnh năng lượng của khẩu phần thí nghiệm tương đối hẹp, chỉ cách nhau 600 J/kg nên chưa dẫn đến việc giảm lượng ăn vào và ảnh hưởng tới tỉ lệ đẻ.
Bảng 3: Tương tác giữa protein và năng lượng khẩu phần lên năng suất sinh sản của gà Ác đẻ

Theo Farrel (2000) gà mái bản địa có khối lượng trung bình 1,2 kg, cần khoảng 660 kJ/ngày. Như vậy khẩu phần mức năng lượng ăn vào của khẩu phần cao năng lượng của gà Ác đẻ là 641 kJ/ngày, thấp hơn tính toán của Farrel, tuy nhiên gà Ác đẻ vào thời điểm này có khối lượng trung bình 950 g. Daghir và Jones (1995) tính toán rằng gà mái bản địa có nhu cầu ME cho sản xuất trứng khoảng 11,3 MJ/kg – 11,5 MJ/kg). Như vậy nhóm gà Ác đẻ nuôi các khẩu phần thí nghiệm này có mức ME cao gần giới mức đề nghị của họ.
Tương tác giữa protein và năng lượng
Sự tương tác giữa các mức độ protein và năng lượng trong khẩu phần không ảnh hưởng lên tỉ lệ đẻ, khối lượng trứng, tiêu tốn thức ăn và hệ số chuyển hóa thức ăn (Bảng 4). Tuy nhiên tỉ lệ đẻ cao hơn có thể quan sát ở các khẩu phần có protein cao và vừa, trong khi mức độ ME cao hay thấp không khác biệt. Lượng vật chất khô ăn vào cũng không bị ảnh hưởng bởi các mức độ ME và protein của khẩu phần, tuy nhiên số lượng ME và CP ăn vào có khuynh hướng cao hơn ở các khẩu phần có ME và CP cao.
Trong thí nghiệm này mặc dù mức độ protein ăn vào không ảnh hưởng lên tỉ lệ đẻ, nhưng khẩu phần có CP cao và vừa có tỉ lệ đẻ trứng tương đương nhau. Thí nghiệm cũng chứng minh là năng suất trứng tốt hơn tăng mức protein và năng lượng khẩu phần hơn là giảm. Kết quả trên tương tự báo cáo của Keshvarz (1984) và Cave (1984).
Bảng 4: Ảnh hưởng protein, năng lượng và tương tác giữa protein và năng lượng lên chất lượng trứng

Năng suất sinh sản của gà phụ thuộc vào mật độ năng lượng và dưỡng chất, gà lấy từ thức ăn hàng ngày và chất dự trữ để hình thành quả trứng. Đối với các giống gà nhỏ con, có lẽ lượng ăn vào hàng ngày quan trọng hơn phần dự trữ để gà tiếp tục sản xuất ra quả trứng. Như vậy nên năng lượng hoặc protein bị giới hạn gà sẽ thay thế bằng cách sản xuất ra quả trứng nhỏ hơn, tỉ lệ đẻ giảm hơn và khoảng cách giữa các lần đẻ ít hơn.
Ảnh hưởng protein, năng lượng và tương tác giữa protein và năng lượng lên chất lượng trứng
Kết quả trình bày ở Bảng 4, cho thấy protein khẩu phần không ảnh hưởng lên chỉ số hình dáng, tỉ lệ vỏ cũng như độ dày vỏ của quả trứng, nhưng ảnh hưởng lên tỉ lệ lòng trắng, lòng đỏ và tỉ lệ lòng đỏ/lòng trắng. Ở mức protein 14,5% quả trứng có tỉ lệ lòng đỏ cao nhất, tuy nhiên lại có tỉ lệ lòng trắng thấp nhất. Rabello & cs (2007) quan sát thấy rằng mức protein của khẩu phần thấp làm giảm tỉ lệ lòng trắng, hậu quả là giảm khối lượng trứng và khối lượng trứng (gà/ngày). Almeida & cs (2012) cũng cho rằng cả hai yếu tố năng lượng và protein đều không ảnh hưởng lên chất lượng quả trứng.
KẾT LUẬN
Nên phối hợp khẩu phần có tỉ lệ protein là 16% và năng lượng trao đổi là 11,7 MJ/kg để đảm bảo tỉ lệ đẻ, khối lượng trứng, hệ số chuyển hóa thức ăn tốt nhất và chất lượng trứng đạt tiêu chuẩn cho gà Ác đẻ ở giai đoạn đầu của kỳ đẻ trứng
Trương Văn Phước1, Nguyễn Nhựt Xuân Dung*2, Lưu Hữu Mãnh3
1 Trường Đại Học Tiền Giang
*2 Bộ môn Chăn nuôi, Khoa Nông nghiệp & SHUD, Trường Đại học Cần Thơ
3 Bộ môn Thú Y, Khoa Chăn nuôi-Thú y, Trường Đại học Cần Thơ