C.P Việt Nam: Lợi thế và điểm nghẽn

Trước sự sụt giảm của giá thịt heo hơi, doanh nghiệp lớn nhất trong ngành thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi cũng phải ghi nhận mức thua lỗ lớn nhất trong lịch sử.

Từng “làm mưa làm gió” ở Việt Nam

CP Việt Nam là công ty con của Tập đoàn CP Group, một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất châu Á của Thái Lan. CP Group cũng chính là nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất thế giới.

C.P. Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực Nông – Công nghiệp, ngành thực phẩm khép kín: Chăn nuôi, chế biến gia súc, gia cầm và thủy sản với 3 lĩnh vực chính: Thức ăn chăn nuôi với 8 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi gồm thức ăn cho lợn, gia cầm, thủy sản…; Ngành Trang trại chuyên hăn nuôi các loại lợn, gà thịt, gà đẻ, trứng gà, tôm và cá; Ngành Thực phẩm với  2 phần chính: Sản xuất tôm và cá xuất khẩu và sản xuất các loại thực phẩm phục vụ người tiêu dùng trong nước.

C.P Vietnam được thành lập xây nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại tỉnh Đồng Nai năm 1993. Năm 2009, Công ty TNHH Chăn Nuôi C.P. Việt Nam hợp nhất với Công ty TNHH Charoen Pokphand Việt Nam trở thành Công ty C.P. Vietnam Livestock Corporation và sau đó vào năm 2011 đổi tên thành C.P. Vietnam Corporation (Công ty Cổ Phần Chăn Nuôi C.P. Việt Nam).

Có lợi thế từ việc tiên phong gia nhập thị trường, cộng với chu trình sản xuất khép kín và lợi thế từ tập đoàn mẹ, C.P Việt Nam hiện đã trở thành một trong những ông lớn có ảnh hưởng đáng kể đến thị trường thức ăn chăn nuôi cũng như thị trường thịt lợn, thịt gà.

Vài năm gần đây, thay vì đẩy mạnh mảng thức ăn chăn nuôi, CP Việt Nam đã tập trung phát triển rất mạnh mảng chăn nuôi và chế biến thực phẩm – phân khúc thị trường giàu tiềm năng nhưng còn khá sơ khai.

 Đến nay, C.P. Việt Nam nắm giữ 7% thị phần thịt heo, 16% thị phần trứng gà công nghiệp, 22% thị phần thịt gà công nghiệp, 18% thị phần thức ăn chăn nuôi và đang từng bước khẳng định vị thế thương hiệu trong ngành chế biến thực phẩm.

“Méo mặt” với khoản lỗ 2.100 tỷ đồng

Với quy mô khoảng 6 tỷ USD/năm cho thức ăn chăn nuôi và 18 tỷ USD/năm cho các sản phẩm thịt, ngành chăn nuôi Việt Nam là một thị trường cực kỳ hấp dẫn. Sân chơi tiềm năng này lâu nay nằm dưới sự chi phối của các doanh nghiệp FDI, mà tiêu biểu là C.P Group.

Tuy nhiên, thời gian qua giá thịt heo (lợn) giảm sâu trong quý 2 do phía Trung Quốc ngừng nhập khẩu đã tạo nên cú sốc lớn đối với hàng vạn hộ chăn nuôi cũng như các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị 3F (Feed (thức ăn chăn nuôi) – Farm (chăn nuôi) – Food (chế biến thực phẩm)) của ngành.

Masan Nutri-Sciecne – công ty sở hữu 2 công ty hàng đầu trong ngành thức ăn chăn nuôi là Proconco và ANCO – với nguồn thu chủ đạo là thức ăn chăn nuôi, ghi nhận lợi nhuận giảm 52% so với nửa đầu năm 2016.

Dabaco Group, một doanh nghiệp lớn ở miền Bắc lỗ 20 tỷ trong quý 2, chủ yếu do khoản lỗ gộp 154 tỷ đồng của mảng chăn nuôi.

Là doanh nghiệp lớn nhất trong ngành thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi CP Việt Nam đã ghi nhận mức thua lỗ lớn nhất trong lịch sử. Mặc dù doanh thu chỉ giảm 11% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận của CP Việt Nam đã giảm sốc từ mức lãi 3.300 tỷ của nửa đầu năm 2016 xuống lỗ 2.100 tỷ (95 triệu USD).

Nguyên nhân thua lỗ lớn của CP Việt Nam là do doanh nghiệp này có thị phần quá lớn trong phân khúc chăn nuôi heo nói riêng cũng như chăn nuôi gia súc, gia cầm nói chung.

Tác giả: Nha Trang

Nguồn tin: Diễn đàn Doanh Nghiệp

Channuoivietnam.com © 2013 được phát triển bởi Viện Công Nghệ Sáng Tạo - Email: dohuuphuong2010@gmail.com - ĐT: 0908.255.265 Trang chủ