Trong chăn nuôi gà, vi khuẩn Escherichia coli (E. coli) gây bệnh rất phổ biến và thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi. Bệnh tích thường gặp là tích casein trong các xoang của cơ thể, điều này làm giảm hiệu quả điều trị bằng kháng sinh. Nghiên cứu được thực hiện để đánh giá hiệu quả điều trị của florfenicol (dạng uống) và alpha-chymotrypsin (dạng chích) trên gà Lương Phượng từ 0-14 ngày đối với chủng vi khuẩn E. coli gây bệnh thực nghiệm. Kết quả cho thấy tỉ lệ chết trên nhóm điều trị được cải thiện đáng kể. Trong đó nhóm điều trị kết hợp giữa florfenicol và alpha-chymotrypsin có hiệu quả tốt nhất. Tương tự, kết quả đánh giá bệnh tích trên các cơ quan đều cho thấy điều trị bằng florfenicol hay alpha-chymotrypsin có hiệu quả trong đó điều trị kết hợp cả hai sản phẩm cho kết quả cao hơn. Hướng tiếp theo của nghiên cứu là thử nghiệm sản phẩm chứa alpha-chymotrypsin có thể cung cấp dạng uống để khả năng ứng dụng trong chăn nuôi gia cầm cao hơn.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Vi khuẩn Escherichia coli (E. coli) gây bệnh rất phổ biến trên loài cầm, gây tổn thất kinh tế nặng cho chăn nuôi gia cầm nói chung và chăn nuôi gà-vịt nói riêng, với đặc tính gây viêm và tích casein ở xoang mặt làm gà sưng phù đầu, viêm màng bao gan, màng bao tim, viêm phổi và gây viêm khớp. Ngoài ra bệnh do E. coli có thể làm tổn thương trên toàn bộ hệ thống của cơ thể. Kết quả là gia cầm bệnh kéo dài, sinh trưởng chậm, giảm sản lượng trứng, và chết (Saif & cs, 2011).
Gà có thể mắc mắc bệnh từ rất sớm trong những tuần đầu tiên. Lượng casein được tích tụ trong các túi khí, màng bao tim làm giảm thể tích của xoang từ đó làm giảm lượng khí trao đổi, giảm tuần hoàn máu, làm cho cơ thể gia cầm trở nên yếu đi dễ cảm nhiễm với những bệnh khác. Mặc dù vi khuẩn E. coli có thể bị tiêu diệt bởi nhiều loại kháng sinh, nhưng kháng sinh không làm tan được casein này và không thể khuếch tán vào trong casein, từ đó vi khuẩn có thể “ẩn núp” làm giảm hiệu quả điều trị bằng kháng sinh kém và thời gian điều trị kéo dài và nguy cơ kháng thuốc cao.
Kháng sinh florfenicol là kháng sinh thế hệ mới nhất của nhóm phenicol, có hiệu quả trong điều trị các bệnh do vi khuẩn Gram âm, Gram dương (Riviere & cs, 2009). Đây cũng là kháng sinh được dùng rộng rãi để phòng trị bệnh trong chăn nuôi gia súc- gia cầm, tuy nhiên trong các ca bệnh viêm có tích casein thì hiệu quả điều trị chưa được đánh giá đầu đủ. Alpha-chymotrypsin là một enzyme được dùng rộng rãi trong y học với mục đích phân huỷ protein, làm tan máu bầm và đặc biệt được sử dụng nhằm giảm viêm và phù mô mềm do áp xe và loét, hoặc do chấn thương và giúp làm lỏng các dịch tiết đường hô hấp trên ở người bệnh hen, viêm phế quản, các bệnh phổi và viêm xoang (Krumeich, 1992). Hoạt chất này chưa được dùng trong thú y để điều trị các bệnh trên đường hô hấp có tích casein như trường hợp bệnh do E. coli trên gà. Chính vì vậy, chúng tôi thực hiện thí nghiệm đánh giá hiệu quả điều trị bệnh do E. coli của kháng sinh florfenicol và enzyme alpha-chymotrypsin trên gà Lương Phượng từ 1 đến 14 ngày tuổi”.
VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP
Nghiên cứu được tiến hành tại khu nuôi thú thí nghiệm tại Bệnh Viện Thú Y – Khoa chăn nuôi thú y – Trường Đại học Nông Lâm Tp. HCM. Thời gian thực hiện là từ 10/2013 đến 11/2014.
Vật liệu
Đối tượng nghiên cứu là gà Lương Phượng 1 ngày tuổi (có nguồn gốc từ Phân Viện Chăn Nuôi Nam Bộ, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Đây là nguồn cung cấp gà con đáng tin cậy với quy trình phòng bệnh tốt, có thể đảm bảo gà tương tối sạch bệnh.
Kháng sinh Florfenicol và enzyme alpha-chymotrypsin sử dụng cho nghiên cứu được cung cấp bởi công ty TNHH SX-TM A.S.T.A. Đây là 2 sản phẩm thương mại của công ty, hiện có trên thị trường với thành phần như sau:
Chymosin là sản phẩm chứa 400mg alpha-chymotrypsin trong 100 ml dùng để chống viêm – giảm phù nề và sưng đau ở dạng dung dịch tiêm với liều dùng là 1 ml/10-15 kg thể trọng trên gia cầm. Ngoài ra có thể sử dụng trên nhiều loài thú khác.
Florsol là kháng sinh dạng nước cho uống, trong 1ml sản phẩm có chứa 23 mg florfenicol. Sản phẩm được dùng trị bệnh hô hấp, tiêu hóa trên heo, gia cầm như bệnh thương hàn, tiêu chảy, viêm túi khí do E.coli, bệnh tụ huyết trùng, viêm phổi, viêm phổi- màng phổi. Liều lượng và cách dùng được hướng dẫn là pha vào nước uống, liên tục 3 ngày trên gà, vịt, ngan, cút thịt: 5 ml/ lít nước uống (1 ml/ 2 kg thể trọng). Ngoài ra có thể sử dụng trên heo (1 ml/3 kg thể trọng)
Gốc E.coli có độc lực dùng cho nghiên cứu được cung cấp bởi Bệnh Viện Thú Y – Trường Đại học Nông Lâm Tp. HCM. Đây là gốc E. coli đã được nghiên cứu trước đây bởi Lê Thị Hạnh Dung (2012) với đặc tính là độc lực trung bình, có khả năng gây bệnh cho gà con 1 ngày tuổi với triệu chứng và bệnh tích rõ ràng (viêm và tạo casein ở phổi, túi khí, màng bao gan, màng bao tim và lách). Mặt khác, kết quả kháng sinh đồ của gốc E. coli này cho thấy vi khuẩn nhạy cảm với florphenicol.
Phương pháp
Gà con được đưa về trại thí nghiệm, lựa chọn một cách ngẫu nhiên những gà khỏe mạnh và chia đều vào trong 5 chuồng, mỗi chuồng 42 con. Sau khi đã phân lô và để gà ổn định trong vòng 1 ngày, gà ở 5 chuồng được gây bệnh thực nghiệm bằng đường tiêm gốc E.coli với liều cho mỗi con 1 ml canh khuẩn chứa 107 CFU/ml. Lô đối chứng âm (-) không gây bệnh (tiêm nước muối sinh lý), đối chứng dương (+) có gây bệnh nhưng không điều trị, các lô thí nghiệm còn lại có gây bệnh và được điều trị ở 2 ngày sau khi gây bệnh bằng Florsol và Chymosin liên tục 5 ngày. Chi tiết về các lô thí nghiệm được trình bày ở bảng 1.
Bảng 1: Bố trí các lô gà trong thử nghiệm

Sau khi gây bệnh và sử dụng các liệu pháp điều trị, gà được quan sát hằng ngày để đánh giá các biểu hiện lâm sàng theo thang điểm của Antão & cs (2008) – từ 0 đến 4 tương ứng từ không có biểu hiện cho đến biểu hiện nặng – cho đến khi kết thúc thí nghiệm ở 14 ngày. Kết quả điểm sẽ tính theo trung bình để có giá trị điểm lâm sàng cho mỗi con thí nghiệm. Số lượng con chết của mỗi lô được ghi nhận để tính tỉ lệ chết. Những con chết được mổ khám để đánh giá bệnh tích. Những con sống đến cuối thí nghiệm cũng sẽ được mổ khám. Bệnh tích đại thể của các cơ quan túi khí, phổi, gan, tim được được đánh giá theo thang điểm của Antão & cs (2008), mỗi con sẽ có giá trị điểm bệnh tích từ nhẹ đến nặng cho từng cơ quan: túi khí (0-3); Phổi (0-5), Tim (0-3), Gan (0-2).
Phần mềm Microsoft Excel 2010 được dùng để quản lý số liệu. Tỉ lệ chết của các lô được so sánh bằng trắc nghiệm c2để đánh giá có sự khác biệt thống kê giữa các lô thí nghiệm. Bên cạnh đó điểm số triệu chứng và bệnh tích được tính trung bình và độ lệch chuẩn cho từng lô (X±SD), trắc nghiệm F được dùng để so sánh về sự khác biệt giữa các lô về điểm đánh giá này. Trong trường hợp có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa các lô, trắc nghiệm Tukey được sử dụng để so sánh theo từng cặp giá trị. Các trắc nghiệm thống kê trên được xử lý bằng phần mềm Minitab 16.0 (Minitab Inc, State College, Pennsylvania, USA)
KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
Tỷ lệ chết của gà thí nghiệm
Bảng 2. Tỷ lệ chết của gà thí nghiệm

Kết quả tỉ lệ chết của gà con sau 14 ngày thí nghiệm được trình bày trong bảng 2. Ở lô đối chứng âm, không có con nào chết. Điều này đảm bảo được điều kiện thí nghiệm là khá tốt. Ở lô đối chứng dương, số lượng gà chết lên đến 31 con (78,8%) cho thấy gốc E.coli dùng trong nghiên cứu là có độc lực. Các lô điều trị đều có số lượng gà chết thấp hơn (8-26 con). Có sự khác biệt có ý nghĩa trong thống kê (P<0,001) về tỉ lệ chết sau 14 ngày thí nghiệm. Tỷ lệ gà chết ở lô 1 (sử dụng Florsol + Chymosin) là 19,00% thấp nhất so với các lô điều trị còn lại. Lô 2 (chỉ sử dụng Florsol) có tỷ lệ chết là 61,90% không khác biệt với lô 3 (chỉ sử dụng Chymosin) là 52,00%. Với kết quả này, sơ bộ cho thấy hiệu quả của Chymosin trong việc hạn chế tỉ lệ chết vì E.coli và sự kết hợp giữa Florsol + Chymosin cho hiệu quả cao hơn
Biểu hiện lâm sàng của gà thí nghiệm
Lô ĐC (-) gà không có biểu hiện bệnh. Gà con khỏe mạnh, phản ứng nhanh và linh hoạt với âm thanh, thở đều, ngực phập phồng nhẹ, mỏ và chân vững chắc, màng da chân bóng. Trong khi đó ở các lô còn lại, sau khi gây bệnh, gà con có biểu hiện kém ăn hoặc bỏ ăn, ủ rũ, kém linh hoạt, tập trung, nằm chồng lên nhau, mắt nhắm nghiền, xù lông, sã cánh, chậm hoặc không phản ứng với âm thanh, chân đứng không vững, thở khó, nhịp thở chậm. Những con bệnh nặng thì chết, những con không chết còn lại cũng biểu hiện triệu chứng trong vài ngày. Kết quả điểm triệu chứng trung bình của các lô được trình bày trong bảng 3.
Bảng 3. Điểm triệu chứng trung bình của gà

Điểm trung bình triệu chứng của lô ĐC (+) là 1,87, cao nhất trong thí nghiệm cho thấy gà cho thấy gà bị bệnh nặng nhất. Trong khi đó, điểm trung bình triệu chứng lô 1 (điều trị bằng Florsol + Chymosin) là 0,71 thấp nhất trong các lô thí nghiệm. Lô 2 (chỉ dùng Florsol) và lô 3 (chỉ điều trị bằng Chymosin) có điểm triệu chứng trung bình lần lượt là 0,81 và 0,80, cao hơn lô 1 nhưng thấp hơn lô đối chứng (+). Sự khác biệt giữa các lô có ý nghĩa thống kê với P<0,001.
Bệnh tích đại thể của gà thí nghiệm
Điểm bệnh tích đại thể ở từng cơ quan trên gà mổ khám của các lô được trình bày trong bảng 4. Kết quả cho thấy không có bệnh tích đại thể trên các cơ quan khảo sát của gà ở lô ĐC (-). Điểm bệnh tích trung bình trên các cơ quan: túi khí, phổi, màng bao gan, màng bao tim của lô 1 (điều trị bằng Florsol và Chymosin) đều thấp hơn các lô 2 (chỉ dùng Florsol), lô 3 (chỉ dùng Chymosin) và đối chứng (+) có ý nghĩa với (P<0,05). Lô đối chứng (+) bao giờ cũng có điểm bệnh tích cao nhất cho thấy mức độ bệnh trầm trọng nhất so với các lô
Bảng 4. Điểm bệnh tích đại thể trung bình ở các cơ quan của gà

Thảo luận
Nhìn chung, kết quả thí nghiệm cho thấy hiệu quả rõ ràng của alpha-chymotrypsin cấp bằng đường chích kết hợp với kháng sinh florfenicol (đường uống) trong việc điều trị bệnh do E.coli trên gà Lương Phượng. Kết quả điều trị tốt nhất với tỷ lệ chết thấp (19%), triệu chứng bệnh giảm nhanh đến ngày thứ sáu thì không còn biểu hiện bệnh, bệnh tích đại thể cũng giảm, cấu tạo các cơ quan phục hồi tốt, gần như trở lại bình thường sau 5 ngày điều trị liên tục. Kháng sinh nhóm phenicol gắn với tiểu đơn vị 50S, ức chế enzyme peptidyl transferase không cho acid amin gắn vào chuỗi polypeptide. Tác động đến quá trình tổng hợp protein của tế bào vi khuẩn. Alpha-chymotrypsin có tác dụng thủy phân protein làm tiêu hủy tại chỗ những cấu tạo fibrin có tác dụng phá hủy nơi ẩn núp của vi khuẩn, đồng thời giúp quá trình hô hấp của gà được phục hồi tốt hơn. Tuy nhiên trong chăn nuôi gia cầm, việc điều trị bằng đường chích khó thực hiện. Hướng nghiên cứu tiếp theo cùa đề tài là đánh giá hiệu quả điều trị của alpha-chymotrypsin bằng đường uống.
KẾT LUẬN
Kết quả thí nghiệm cho thấy lô thí nghiệm phối hợp giữa kháng sinh Florfenicol (uống) và alpha-chymosin (đường chích) có hiệu quả rất tốt trong điều trị bệnh do E.coli.
Nguyễn Tất Toàn*1, Nguyễn Thị Phước Ninh1, Nguyễn Thị Thu Năm1, Lê Thanh Hiền1, Nguyễn Thị Thảo Lam1, Hồ Thị Kim Cúc1, Lê Thị Hạnh Dung1, Ngô Tấn Sâm2
1Khoa Chăn nuôi-Thú y, Trường Đại học Nông Lâm Tp.HCM
2 Công ty ASTA Pharma