Ngựa là một trong các động vật nuôi được nhiều nhà chăn nuôi quan tâm bởi những hữu ích của chúng. Nước ta có nhiều giống ngựa với các màu lông khác nhau như màu trắng, đen, vàng, hạt dẻ… Đặc biệt giống ngựa bạch là dòng ngựa quý, hiếm, có số lượng rất ít ở nước ta hiện nay, được phân bố rải rác ở một số tỉnh miền núi Đông Bắc Việt Nam. Ngựa bạch được coi là nguồn dược liệu dùng vào việc bồi bổ, nâng cao thể lực, chữa trị một số chứng bệnh nan y cho người. Số lượng ngựa bạch hiện nay không còn nhiều do bị săn tìm để giết thịt, năng suất sinh sản của ngựa cũng đang giảm sút do việc chọn lọc, quản lý đàn ngựa bạch không được chú trọng, bản chất di truyền chưa được đánh giá. Bên cạnh đó, trong quá trình nhân giống đàn ngựa bạch thường dễ bị nhầm lẫn giữa các cá thể ngựa bạch và những cá thể ngựa bị bạch tạng cũng có màu lông trắng, mà những cá thể ngựa bạch tạng thường sinh ra ngựa con bị chết. Cho đến nay chúng ta chưa có nghiên cứu nào phân tích kiểu gen liên quan tới màu lông ngựa nhằm phát hiện được mối liên quan của kiểu gen với một số màu sắc cơ bản của ngựa. Hiện nay với sự phát triển của các kỹ thuật trong nghiên cứu về gen, chúng ta có thể xác định được các kiểu gen liên quan tới màu lông ở ngựa.
Trong chăn nuôi, nhiều ngựa con sinh ra mang màu lông trắng là do bị bạch tạng. Điều này sẽ gây khó khăn trong việc phân biệt giữa ngựa bạch và ngựa bạch tạng. Ngựa bạch tạng thường không có khả năng sinh sản, ngựa con màu trắng sinh ra thường bị chết (hội chứng OLWS). Vấn đề này đã và đang được nhiều nhà khoa học trên thế giới quan tâm. Các tác giả Yang (1998), Santschi (1998) và Metallinos (1998) cho rằng đột biến hai nucleotid (TC353-354AG) trong gen Endothelin-B receptor (EDNRB) liên quan với hội chứng chết của ngựa con màu trắng (OLWS-overo lethal white symdrom). Đột biến dẫn đến thay đổi axit amin từ Isoleusine sang Lysine của G- protein couple receptor. Hội chứng ngựa con chết được phát hiện là do đột biến đồng hợp tử, do bố mẹ mang kiểu gen dị hợp tử.
Theo nghiên cứu của Santschi (1998) trên đàn ngựa 945 con màu trắng cho thấy: tất cả ngựa con có hội chứng OLWS là dạng đồng hợp tử của đột biến endothelin-B receptor Ile118Lys và không tìm thấy ngựa trưởng thành mang kiểu gen đồng hợp tử này. Màu lông trắng được liên kết chặt chẽ với kiểu gen EDNRB. Kiểm tra ADN (kiểu gen EDNRB) là cách duy nhất để xác định chắc chắn liệu các con ngựa màu trắng có thể sinh ra ngựa con bị mắc hội chứng OLWS hay không.
Theo nghiên cứu của Haase (2007, 2009), phát hiện có 4 đột biến độc lập trong gen KIT ở ngựa chịu trách nhiệm về kiểu hình màu lông trắng trội trong nhiều giống ngựa. Trong 7 họ ngựa nghiên cứu, chỉ duy nhất một họ ngựa trắng có mang các đột biến trong kiểu gen. Những đột biến được phát hiện mới đây gồm hai đột biến dịch khung, hai đột biến nhầm nghĩa và ba đột biến về vị trí ghép cặp (c.338-1G>C; c.2222-1G>A; c.2684+1G>A). Thực tế, số lượng alen của gen KIT của ngựa được mô tả đến mức độ phân tử là nhiều hơn bất kỳ các gen nào khác ở các loài vật nuôi khác.
Qua các kết quả trên cho thấy sử dụng các kỹ thuật di truyền phân tử như giải trình tự gen, PCR-RFLP đã xác định được các kiểu gen quy định các màu sắc lông khác nhau ở ngựa. Đặc biệt, từ kết quả nghiên cứu có thể phân biệt được giống ngựa bạch và ngựa bạch tạng. Từ đó, giúp người chăn nuôi ngựa có thể loại bỏ ngựa bạch tạng ra khỏi đàn ngựa giống để tránh sinh ra ngựa con bị chết. Do đó nghiên cứu gen EDNRB của ngựa là cơ sở khoa học cho việc xác định kiểu gen quy định màu sắc lông ngựa và phân biệt, chọn lọc đúng giống ngựa bạch không bị nhầm với ngựa bị bạch tạng.
Mục tiêu
12. MỤC TIÊU ĐỀ TÀI
Nghiên cứu đa hình và xác định sự sai khác kiểu gen EDNRB quy định màu lông trắng giữa ngựa bạch và ngựa bạch tạng ở khu vực miền núi Đông Bắc Việt Nam.
Nội dung
15.1. Nội dung nghiên cứu
– Nội dung 1: Theo dõi, lấy mẫu máu (khoảng 100 mẫu) các cá thể ngựa có màu lông trắng ở một số tỉnh như: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Giang thuộc khu vực miền núi Đông Bắc Việt Nam.
– Nội dung 2: Nghiên cứu đa hình kiểu gen EDNRB và mối liên quan với màu lông ngựa của các cá thể ngựa ở khu vực miền núi Đông Bắc Việt Nam tại Phòng thí nghiệm Sinh học phân tử & Công nghệ gen – Viện Khoa học Sự sống và Phòng thí nghiệm trọng điểm về Công nghệ tế bào động vật – Viện Chăn nuôi quốc gia. Cụ thể là: Tách ADN; Thực hiện phản ứng PCR; Phân tích xác định kiểu gen EDNRB bằng kỹ thuật PCR-RFLP; Phân tích mối liên quan của kiểu gen với màu lông trắng của ngựa.
PP nghiên cứu
14.2. Phương pháp nghiên cứu
14.2.1. Xác định mối liên quan của kiểu gen với màu lông ngựa
– Lấy mẫu máu của các cá thể ngựa
– Phương pháp tách ADN theo Kit
– Phương pháp PCR nhân đặc hiệu gen EDNRB
– Sử dụng enzym giới hạn cắt sản phẩm PCR.
– Chạy điện di sản phẩm PCR đã được cắt bằng enzym giới hạn để xác định kiểu gen EDNRB.
– Phân tích mối liên quan của kiểu gen với màu lông trắng của ngựa.
14.2.2. Phương pháp xử lý số liệu
Áp dụng phương pháp sử lý thống kê trên phần mềm thống kê STATGRAPH version 4.0 của Cục thống kê, USA.
Hiệu quả KTXH
17. HIỆU QUẢ CỦA ĐỀ TÀI
17.1. Đối với lĩnh vực KH&CN có liên quan
Kết quả nghiên cứu của đề tài mở ra triển vọng ứng dụng công nghệ sinh học vào chọn lọc ra dòng ngựa bạch, phân biệt với ngựa bạch tạng.
17.2. Đối với tổ chức và các cơ sở ứng dụng kết quả nghiên cứu
Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ được chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho các cơ sở chăn nuôi ngựa giống và các nông hộ chăn nuôi ngựa ở khu vực miền núi Đông Bắc Việt Nam. Việc triển khai đề tài nghiên cứu sẽ góp phần đào tạo các đội ngũ trí trẻ gắn lý thuyết với thực nghiệm. Nghiên cứu cũng tạo ra sản phẩm ứng dụng trong đời sống sản xuất của nhân dân, phát triển ngành chăn nuôi theo hướng bền vững.
17.3. Đối với kinh tế – xã hội và môi trường
Kết quả nghiên cứu của đề tài được ứng dụng tại các cơ sở chăn nuôi ngựa và các nông hộ nuôi ngựa ở khu vực miền núi Đông Bắc Việt Nam, dựa vào kiểu gen phân tích sẽ xác định được màu lông trắng của ngựa, đồng thời tạo điều kiện cho công tác chọn tạo giống ngựa bạch có bước nhảy vọt về thời gian và hiệu quả chọn lọc. Từ đó góp phần tăng thu nhập cho người dân miền núi Đông Bắc Việt Nam.
Đại học Nông lâm Thái Nguyên