Nguồn gen lợn bản địa Việt Nam

Nhóm Lợn đen Miền núi

Nhóm lợn đen này có hai loại màu: đen tuyền, đen-trắng. Loại đen trắng: thân chủ yếu là màu đen, chân, trán, đuôi, hoặc dưới bụng có thể pha vạt trắng. Trong phạm vi “Dự án Biodiva” tổng số 1324 con lợn bản địa tại Hà giang được khảo sát có 60,5% lợn đen tuyền, 39,5% là đen trắng (Võ Văn Sự, 2008).

Về kích thước nhóm lợn đen cũng có thể có mấy loại: to con như lợn Mường tè, nhỏ con như lợn Sóc (Tây nguyên).

Đã nhận dạng được các giống / quần thể lợn đen như sau: Lợn Mường khương (Lào cai), Lợn Lũng pù (Hà giang), Lợn Táp ná (Cao bằng), Lợn Bản (Sơn la), Lợn 14 vú (Điện biên), Lợn Mường tè. Lợn Lững (Phú thọ), Lợn Mẹo  (Nghệ An), Lợn Sau na (Nghệ an), Lợn Khùa  (Quảng bình), Lợn Vân Pa (Quảng trị), Lợn Cỏ A lưới (Thừa thiên Huế), Lợn Sóc (Đăk Lắc), Lợn Chư prông (Gia lai).

Nhóm lợn đen có mặt ở các làng bản của các dân tộc thiểu số vùng núi kéo dài từ Lạng sơn đến tận Bình miền Tây Nam bộ. Hầu như ở đâu có người thiểu số ở, ở đấy có loại lợn này. Sống trong môi trường nuôi dưỡng và sinh thái khác nhau. Đa phần được nuôi thả rông. Tuy nhiên có nơi thả rông khi hoa màu không còn trên nương (như xã Cao sơn, Mường khương, Lào cai). Hoặc nuôi nhốt hoàn toàn (như xã Táp ná, huyện Thoong luông, Cao bằng). Tuy nhiên do đất đai được phân bổ cho cá thể nông dân, nên tập quán thả rông đã được thay bằng nuôi nhốt như xã Bhlê – huyện Tây giang – Quảng nam). Đó cũng là bất lợi, vì người dân phải đầu tư chuồng trại tốt hơn và thức ăn đầy đủ cho con vật thay vì để chúng tự kiếm ăn ngoài nương rẫy…

Trong chuyến khảo sát riêng của chúng tôi, thấy rằng nhóm lợn có thể có ý nghĩa: lợn đen Sông hinh có thể là một quần thể riêng biệt.

Tại Đồng nai lợn bản địa cũng không còn nhiều, được nuôi lẽ tẻ. Tại Kontum người dân gần thành phố cũng nuôi heo “Dân tộc”. Giá trong bản = 80 – 100 000 / kg, nhưng heo khác khoảng 40. Tại vùng núi huyện Vĩnh thạnh (giưới đèo An khê, Bình định) các gia đình dân tộc thiểu số vẫn nuôi 5-7 con / gia đình.

Một nghiên cứu duy nhất về khoảng cách di truyền đã được tiến hành bởi Nguyễn Thị Diệu Thúy và CS (2006) trên lợn Táp ná (Cao bằng), Mường khương (Lào cai), Lợn cỏ và Lợn Mẹo (Nghệ an), cho thấy lợn Táp ná và Mường khương là một nhóm mặc dù chúng sống xa nhau đến 150 km, lợn Cỏ và lợn Mẹo cũng giống nhau đến 94%. (Tuy nhiên lợn Cỏ này có thể chính là lợn Mẹo vì chúng đều từ các huyện miền núi Nghệ an). Xem hình sau:

Khoảng cách di truyền giữa các giống lợn: Mường khương (MK), Táp ná (TN), Cỏ (CO), Mẹo (ME), Móng cái (MC), Meishan (MS – Trung quốc), Landrace (LV – nuôi tại Việt nam), Yorkshire (YV – nuôi tại Việt nam), Large White (LW), Landare Germany (LG), Pie´train (PI), European Wild Boar (WB). Nguồn:  http://www.animal-science.org/content/84/10/2601.short

Trong phạm vi Dự án Biodiva, Nguyễn Văn Ba và CS (2008) đã đánh giá sự đa dạng trên 1053 mẫu của quần thể lợn tỉnh Hà giang. Kết quả cho thấy, nhóm lợn Hung và lợn đen không khác nhau đáng kể. 10 nhóm lợn đen của 10 huyện tỉnh này được phân tích cho thấy chúng có thể nhóm làm 3: Yên minh – Quản bạ – Bắc mê, Đồng văn- Mèo vạc, Vị xuyên – Thị xã Hà giang – Quang bình – Hoàng xu phì – Xin man.

Các đề tài nghiên cứu và phát triển nguồn gen về các giống lợn nội như sau:

  • Dự án nghiên cứu và phát triển chăn nuôi lợn đặc sản (lợn lững Phú thọ và lợn 14 vú Lai châu). Đề tài có vốn từ Ngân hàng ADB, với kinh phí là 1,3 ti do Viện chăn nuôi thực hiện hai năm: 2010-2011.
  • Dự án “Khai thác và phát triển nguồn gen lợn Vân Pa” do Trường Trunng học Nông nghiệp và PTNT Quảng trị thực hiện (2010-2012) với kinh phí khoảng 3 tỉ.
  • Phòng thí nghiệm trọng điểm Viện chăn nuôi đang triển khai một đề tài trong 3 năm (2012-2015) “Nghiên cứu xác định sự đa dạng di truyền của một số giống lợn nội Việt nam bằng chỉ thị phân tử”.
  • Đánh giá tiềm năng di truyền của một số giống lợn địa phương ở Việt nam. Đề tài do Viện chăn nuôi thực hiện với kinh phí 4 tỉ kéo dài 5 năm 2011-2015.
  • Dự án khai thác phát triển lợn đặc sản: Mán (Hòa bình), Mường khương (Lào cai) và Sóc (Tây nguyên). Đề tài có vốn từ Việt nam, với kinh phí là 5,35 ti do Viện chăn nuôi thực hiện giai đoạn 2012-2015.
  • Dự án khai thác phát triển nguồn gen lợn Hạ lang và Táp ná (Cao bằng). Đề tài có vốn từ Việt nam, với kinh phí là 4,2 ti do Viện chăn nuôi thực hiện giai đoạn 2012-2015.

So với các NGVN khác, lợn vùng núi có những ưu tiên lớn trong giai đoạn tới. Tuy nhiên cũng có những sai sót nghiêm trọng như đưa cả những loại lợn chưa có tên trong NGVN vật nuôi Việt nam như lợn mán Hòa bình, lợn Tri tôn (lợn Ba xuyên lai) vào nghiên cứu.

Nhóm lợn miền núi có thể lẫn lai tạp với lợn rừng (nó cũng như gà và bò được nuôi tại vùng núi). Chúng cũng có một số đặc điểm dễ nhận thấy như lợn rừng: có lông chụm 3, răng nanh. Những đàn lợn lai như thế đã được chúng tôi phát hiện tại Mường tè (Lai châu) và Đắc lắc. Từ năm 2005 khi phong trào nuôi lợn rừng phát triển thì việc lai tạo xẩy ra thường xuyên hơn. Thí dụ ngay trong đàn lợn giống Vân pa được Trường trung học Nông nghiệp Quảng trị cũng có cả lợn rừng và con lai lợn rừng và lợn Vân pa. Vì thế cần phải nuôi những đàn thuần để bảo tồn.

Là vật nuôi cơ bản và cung cấp thịt chính cho vùng miền núi, đặc biệt là cho dân tộc thiểu số. Được nuôi thả rông. Từ khoảng năm 2005 đến nay, người dưới xuôi có phong trào nuôi các giống lợn này để làm cái nền lai với lợn rừng tạo lợn rừng lai. Cũng có một số người nuôi thuần lợn này tại đồng bằng như CT Lạc Hòa (Hòa bình – nuôi lợn Mường khương), CT COVI cũng nuôi 20 con.

Giá các loại lợn này thường gấp đôi lợn công nghiệp. Thí dụ tết nguyên đán 2012 giá lợn đen bản địa thường 100 – 120 ngàn đồng / kg, trong lúc đó lợn công nghiệp khoảng 40-60 ngàn đồng. Lợn bản địa sinh sản ít (7-8 con / lứa) so với lợn công nghiệp là 10-15 con. Tăng trọng của lợn đen bản địa chỉ 3-5 kg/tháng, trong lúc đó lợn công nghiệp là 0,8-1 kg/ngày. Thức ăn của lợn công nghiệp là thức ăn công nghiệp, đắt tiền, và bị chi phối bởi thị trường ngoài nước, đặc biệt là tăng cao dần, đến nỗi người dân khó có lãi. Trong lúc đó thức ăn cho lợn bản địa là các loại phế phụ phẩm, tuy nhiên khó tìm ra nhiều. Mức độ an toàn thực phẩm: lợn công nghiệp bị cho là dùng các loại thức ăn tăng trọng thậm chí là chất độc, ngược lại với các loại thịt lợn bản địa. Lợn thịt công nghiệp nạc, nhưng bị cho là “xác, không có mùi vị, không “ngậy ngậy”  như lợn đen bản địa: thơm, ngậy do mỡ đặc trưng. Mỡ lợn bản địa được cho là có “axit béo không no, nên ăn không ngấy và nhiều người con thích “ăn vã”, ngược với các loại lợn công nghiệp. Trước đây nó từng bị lợn ngoại cạnh tranh vì cần đáp ứng nhu cầu số lượng và giá cả. Ngày nay nó đang quay trở lại. Nhưng làm thế nào để tăng lượng thịt lợn bản địa lên mà vẫn giữ được “bản chất” là một vấn đề.

Nguy cơ mất:

– Do bị giết thịt đi quá nhiều và không có kế hoạch bảo tồn, phát triển. Điều này có thể thấy rõ như đàn lợn Vân pa (Quảng trị) hoặc lợn đen ở xã Hòa hải (Hương khê, Hà tĩnh) mất đi nhanh chóng khi có đường cao tốc mở ra, hoặc dân dưới xuôi đến làm kinh tế và nuôi lợn công nghiệp thay vì lợn bản địa của người dân tộc thiểu số từng nuôi.

– Hoặc chết do bệnh tật hoặc bị lai cấp tiến với các giống khác.

Nguy cơ giảm sự đa dạng: Ít đực được sử dụng trong một đàn nhỏ. Tuy nhiên vì được nuôi rải trong nhiều bản / làng nên nhìn chung không giảm sự đa dạng.

Nguy cơ lai tạp: Với các giống công nghiệp hoặc với lợn rừng. Tại Gia lai một số lấy lợn rừng x bản địa (bán tại quán ăn là 150 000 đồng / kg ở dạng đã chế biến. Lợn giống là 300 000 đồng. Lợn thịt công nghiệp là 40 000 đồng / kg  thì “heo đồng bào” (ám chỉ lợn đen bản địa) là 70 000 đồng / kg.

Cũng không có thống kê về giống ở các địa phương, chỉ biết tổng số.

Nhiệm vụ cần làm: Phân biệt các giống này và tổ chức bảo tồn và khai thác. Đây là các giống có thể nằm trong chương trình phát triển NGVN tại miền núi.

Nhóm Lợn Hung (nâu) Miền núi

Lợn này có màu lông hung, nâu. Tại Hà giang (Võ Văn Sự, 2008) trong phạm vi “Dự án Biodiva” lợn này được phát hiện tại Hà giang. Trong tổng số 1418 con lợn bản địa (lợn đen + lợn đen trắng và lợn Hung) tại Hà giang có 76 con (5%) thuộc loại lợn Hung. Đặc điểm: tỉ lệ nạc cao hơn lợn đen miền núi. Về di truyền chúng giống nhau với nhóm lợn đen miền núi mặc dù khác nhau khá lớn về hai đặc điểm trên: màu lông và tỉ lệ nạc. Trong quần thể lợn huyện Sìn hồ (Lai châu), lợn Khùa (Quảng bình) cũng có loại lợn này. Năm 2011 Viện chăn nuôi đã có một đề tài nghiên cứu khai thác giống lợn này tại Hà giang. Lai châu cũng đã có một vài bài báo đề nghị bảo tồn loại lợn này tại Sìn hồ. Theo dân chúng cho biết tỉ lệ  nạc ở loại lợn hung này ở Hà giang cao hơn lợn đen cùng vùng, năm 2010 giá lợn này là 120 000 đồng / kg nhưng lợn đen chỉ là 80. Tuy nhiên cần nghiên cứu bài bản hơn để khẳng định. Giá cao hơn cũng có thể do hiệu ứng của việc cán bộ bảo tồn nguồn gen tuyên truyền cho việc bảo tồn giống lợn này.

Hiện nay đang có một đề tài nghiên cứu về giống lợn này: “Khai thác và phát triển nguồn gen lợn Hung tỉnh Hà Giang” do Viện chăn nuôi chủ trì với kinh phí khoảng 2 tỉ từ 2011-2014.

Các giống tiềm ẩn: Theo định nghĩa về giống của FAO (FAO, 2007) và các nghiên cứu về di truyền thì chúng ta có thể nhận ra rằng, tập đoàn lợn đen miền núi có thể còn có những quần thể / giống nữa mà chúng ta chưa phân lập được.

Lợn Ỉ

Có hai giống (dòng?): Lợn Ỉ mỡ (còn gọi là mặt nhăn, lợn bọ hung) và Lợn Ỉ gộc (còn gọi là Ỉ pha, lợn Ỉ sống bương). Thống kê năm 1969 cả hai giống này vẫn còn 2 triệu. Nay chỉ còn lợn Ỉ gộc và nuôi tại Thanh hóa với tổng số 50 con. Đặc điểm: dễ nuôi, mỡ thơm, thịt ngon nhưng ít thịt. Kinh phí bảo tồn giống lợn này chiếm 10% kinh phí “Đề án Bảo tồn NGVN Việt nam” mà Viện chăn nuôi thực hiện từ năm 1990 đến bay giờ. Màu đen, rất có thể là anh em của các giống lợn miền núi. Nguy cơ mất cao.

Lợn Ba xuyên

Giống này thực ra cũng là con lai giữa  lợn Berkshire và Bồ xụ (còn lợn Bồ Xụ là giống gì thì không ai rõ). Trước đây có khá nhiều ở vùng Miền Tây Nam bộ. Nay chúng chỉ còn nuôi bảo tồn tại huyện Kế sách (Sóc trăng) và dân nuôi tạo huyện Tri tôn (An giang). Hiện nay đàn lợn tại Tri tôn còn khoảng 400 con nhưng bị lai tạp. Số đực giống rất ít: tại Sóc trăng đang tìm mua hai đực giống. Tại xã Ô lâm (Tri tôn,  An giang) chỉ có hai con đực, lợn cái được lai với lợn công nghiệp. Lợn này đang đứng trên bờ tuyệt chủng do không được nhân thuần mà cái được lai với lợn đực ngoại.

Nhóm lợn lang

Lợn Hạ Lang

Nhóm lợn này gồm lợn Móng cái, Lợn Hạ lang (Hạ lang – Cao bằng), Lợn Hương (Cao bằng). Đặc điểm chung của các loại lợn này là có các khoang yên ngựa trên thân, đẻ nhiều và tỉ lệ mỡ cao.

Lợn Móng cái là giống khá nổi tiếng và từ Móng cái rải khắp Miền Bắc đến tận núi cao ở Mèo vạc (Hà giang) và Giang tây (Quảng nam). Có ít nhất 5 cơ sở nuôi loại này: Trại lợn giống Móng cái Đầm hà (Quảng ninh),  Trại lợn Tràng bạch (Quàng ninh) Trại lợn Tràng duệ (Hải phòng), HTX dịch vụ chăn nuôi Hoàng Quang Trung (Bắc giang), CT chăn nuôi cổ phần Bắc giang (Bắc giang), Trại lợn Móng cái Ái tử (Quảng trị). Giống lợn này được nghiên cứu nhiều và các nhà nhân giống Viện chăn nuôi đã gây một số dòng cao sản… và có nhiều dự án phát triển giống này.

Trước đây lợn này có nhiều cá thể đẻ trên 20 con / ổ. Nhưng hiện tại không còn những cá thể, số con trên một ổ chỉ 10-13 con. Chọn lọc mạnh nhằm để lại những cá thể nuôi số con thích hợp với năng lực chăn nuôi đã gây nên tình trạng này. Xu hướng này ngược với thế giới khi mà họ đang muốn tăng số con đẻ / ổ bởi việc cải thiện các tính trạng khác không còn mang lợi nhuận tối đa và hầu như đã tới “ngưỡng”. Và trong lúc đó ở Việt nam cũng đang nhập giống lợn Meishan mong có số con / ổ nhiều hơn (?).

Nghiên cứu về sự đa dạng của tập đoàn lợn

Nghiên cứu Nguyễn Thị Diệu Thúy và các nhà khoa học tại CHLB Đức (2006) trên 343 mẫu từ 5 giống lợn bản địa VN (Mường khương, Táp ná, Cỏ, Mẹo, Móng cái và 2 giống lợn ngọai nuôi tại VN (Landce và Yorkshire) và 3 giống lợn nuôi tại Đức (German Landrace, Pie´train và Large White), giống lợn Meishan Trung quốc và lợn đực rừng Châu âu. Tất cả các các thể được phân tích kiểu hinh trên 20 loci  polymorphic microsatellite. Các giống bản địa VN thể hiện sự đa hình cao hơn, đa dạng allel và biến dị (heterozygosity) cao hơn các giống lợn khác. Cũng phát hiện thấy sự đa dạng di truyền theo các vùng với các đàn phụ ở từng làng (village-specific subpopulations) gây nên sự đồng huyết đáng kể. Như dự đóan có khoảng cách lớn giữa lợn Vịêt nam – Trung quốc và Châu Au vá thể hiện sự phân bố các giống theo vùng địa lý. Do sự đa dang di truyền lớn nên việc bảo tôn các giống lợn bản địa VN rất có ý nghĩa.

Nguyen Van Ba et al (2008) trong phạm vi Dự án Biodiva đã nghiên cứu khoảng cách di truyền và sự đa dạng của quần thể lợn bản địa tỉnh Hà giang với sự sử dụng tín hiệu micro satellites. Kết quả cho thấy có sự đa dạng lớn ở các nhóm lợn này với tần số dị hợp tử mong đợi là 0,814; lợn Hung không xa lắm với lợn đen.

Nghiên cứu các gen chức năng (functional) / đối tượng (candidate) và các năng lực khác của các giông lợn bản địa VN.

Năm 2007 các nhà khoa học Pháp đã có ý định nghiên cứu khả năng sử dụng lợn Vân pa vào việc ghép nội tạng của lợn cho người. Có thể cũng cùng mục đích năm 2012 các nhà khoa học Nhật đã xây dựng một đề tài nghiên cứu nhằm tìm kiếm trong các giống lợn bản địa Việt nam các cá thể không mang virus retro nội sinh ở lợn “Porcine endogenous retrovirus” (Retrovirus có chứa RNA có thể chuyển các vật liệu di truyền của nó thành DNA trong tế bào ký chủ được cho là có liên quan đến sự phát triển một số khối u – Virus này có thể “bám” theo genome của lợn và khi chuyển tế bào lợn cho người sẽ đi theo vào người.  – xem: http://biomed.brown.edu/Courses/BI108/BI108_2003_Groups/Xenotransplantation/PERV_introduction.html).

Những giống lợn đã mất

  • Heo Đen pha: từng được nói nhiều trước năm 1980. Có cả trại giống tại huyện thị xã A yun pa (Kontum). Tầm vóc lớn, lưng không võng, mỏm dài, bụng không sệ.
  • Lợn Thuộc nhiêu: Vùng Thuộc nhiêu Long an.
  • Lợn Ỉ mỡ

Giống lợn Việt nam có từ lâu lắm và đang đóng vai trò quan trọng ít nhất cho cộng đồng dân tộc thiểu số. Trong chiến lược của khoa học – Công nghệ của Bộ NN cho giai đoạn tới có đề cập đến “Đánh giá tiềm năng của các giống lợn nội” (Xem: trang 7).

Nguy cơ cho tập đoàn lợn bản địa:

Sự hao hụt nhìn chung cho các giống lợn bản địa, là do sự tranh chấp với các giống ngoại vì năng suất giống lợn ngoại cao hơn hẳn giống nội. Hiện tại và trong tương lai còn bị áp lực rất lớn từ thế giới khi thực hiện giảm thuế theo luật của WTO, và với các công ty vốn FDI ngay tại Việt nam như CP group…

Theo Trung tâm tư vấn WTO (2013) thì từ năm 2012 thuế nhập các loại sản phẩm đã phải thứ tự giảm:

  • từ 30% xuống 25% đối với thịt lợn ướp đông;
  • từ 30% xuống 15%  với thịt lợn ướp lạnh;
  • từ 20% xuống 10% đối với  mỡ động vật và  Thịt muối, sấy khô, hun khói
  • từ 40% xuống 22% đối với SP chế biến từ thịt (Xúc xích, thịt hộp…)
  • từ 15% xuống 8% đối với phụ phẩm
  • từ 10% xuống 7% đối với thức ăn chăn nuôi

Và đối với con giống là 0%, vật sống cho thương phẩm thuế suất ban đầu chỉ là 5%.

Tác giả: Võ Văn Sự. Phạm Công Thiếu, Hoàng Văn Tiệu

Nguồn tin: Viện Chăn nuôi

Channuoivietnam.com © 2013 được phát triển bởi Viện Công Nghệ Sáng Tạo - Email: dohuuphuong2010@gmail.com - ĐT: 0908.255.265 Trang chủ