Sử dụng gạo lức thay thế cho ngô, lúa mỳ trong khẩu phần ăn của vật nuôi

Hạt ngô và lúa mỳ là loại thức ăn giàu năng lượng, chúng thường chiếm từ 40% đến 70% trong thức ăn hỗn hợp của gia súc, gia cầm. Trên thế giới, ngô được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi thông dụng nhất và với số lượng lớn nhất trong các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, còn lúa mỳ cũng được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi nhưng không phổ biến bằng ngô và số lượng cũng ít hơn.

Nước ta có sản lượng ngô khoảng 5 triệu tấn/năm, trong đó khoảng 90% sử dụng cho chăn nuôi. Số lượng này chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm. Vì vậy, hàng năm, nước ta vẫn phải nhập khẩu trên dưới 1 triệu tấn ngô dùng làm thức ăn chăn nuôi, tiêu tốn gần 300 triệu USD/năm cho việc nhập khẩu ngô. Ngoài ra, nước ta còn nhập khẩu khoảng trên dưới 2 triệu tấn lúa mỳ/năm dùng làm thức ăn chăn nuôi và sử dụng cho các mục đích khác, tiêu tốn khoảng 450-800 triệu USD cho việc nhập khẩu mỳ. Đó là chưa kể đến số lượng cám mỳ nhập khẩu cũng với mục đích làm thức ăn chăn nuôi (nhập khẩu khoảng 240-600 nghìn tấn, tiêu tốn khoảng 40-140 triệu USD). Giá trị nhập khẩu ngô, mỳ hạt, cám mỳ làm thức ăn chăn nuôi tính trung bình/ năm khoảng 1,2 tỷ USD.

Hàng năm nước ta xuất khẩu trung bình khoảng 6,5 triệu tấn gạo nhưng lại nhập khẩu khoảng 3-4 triệu tấn ngô, mỳ, cám mỳ làm thức ăn chăn nuôi. Trước thực trạng này, một câu hỏi đặt ra là: sử dụng gạo thay thế cho ngô, mỳ làm thức ăn chăn nuôi có được không. Nếu thay thế đạt được hiệu quả kinh tế-kỹ thuật tốt thì sẽ chuyển một phần gạo xuất khẩu sang làm thức ăn chăn nuôi để giảm nhập khẩu ngô và mỳ.
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần phân tích trên hai khía cạnh: (1) Dinh dưỡng của gạo so với ngô, mỳ trên góc độ thức ăn chăn nuôi. (2) Hiệu quả kinh tế của việc sử dụng gạo thay thế ngô, mỳ trong thức ăn chăn nuôi. Hai khía cạnh này sẽ được xem xét và phân tích trong phần viết dưới đây.

Giá trị dinh dưỡng của gạo so với ngô, lúa mỳ trong thức ăn chăn nuôi
Muốn so sánh giá trị dinh dưỡng của gạo so với ngô, mỳ chúng ta cần xem xét về giá trị năng lượng, protein, một số axit amin giới hạn, khoáng và vitamin trong các loại thức ăn này (xem bảng 1).
Giá trị năng lượng tiêu hóa (đối với heo) và năng lượng trao đổi (đối với gia cầm) của 1 kg gạo ăn đều lớn hơn so với 1 kg ngô và mỳ. Gạo lức cũng có các giá trị này tương đương với ngô và mỳ. Điều này cho thấy thay thế gạo (gạo ăn hoặc gạo lức) cho ngô và mỳ hoàn toàn đáp ứng về mặt năng lượng.
Protein thô trong 1 kg gạo ăn thấp hơn ngô 13g và thấp hơn mỳ 48 g, còn trong 1 kg gạo lức thì thấp hơn ngô là 10g và mỳ là 45 g. Để đạt được tỷ lệ protein thô của ngô và mỳ thì cần phải phối hợp gạo ăn hoặc gạo lức với khô dầu đậu tương (44% protein) với tỷ lệ như sau:
Thay thế cho ngô (có 92g protein thô trong 1 kg thức ăn): (i) Gạo ăn 96% + khô dầu đậu tương 4%, hoặc (ii) Gạo lức 97% + khô dầu đậu tương 3%.

Từ Quang Hiển

Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên

Channuoivietnam.com © 2013 được phát triển bởi Viện Công Nghệ Sáng Tạo - Email: dohuuphuong2010@gmail.com - ĐT: 0908.255.265 Trang chủ