Để đánh giá hiệu quả phòng bệnh và khả năng tác động trên tăng trọng của lá Xuân Hoa (XH), lá XH dạng bột sấy khô được trộn vào thức ăn của gà. Thí nghiệm được thực hiện trên 180 gà nòi 10 ngày tuổi, thí nghiệm gồm 4 nghiệm thức: nghiệm thức đối chứng (không bổ sung bột lá XH), nghiệm thức 1 (2,0 g bột lá XH/kg thức ăn), nghiệm thức 2 (2,5 g bột lá XH/kg thức ăn) và nghiệm thức3 (3,0 g bột lá XH/kg thức ăn) với 3 lần lặp lại. Sau 5 tuần thí nghiệm, kết quả tăng trọng của gà cao nhất ở nghiệm thức bổ sung 2,5 g bột lá XH/kg thức ăn (404,1 g/con), kế đến lần lượt nghiệm thức bổ sung 3,0 g bột lá XH/kg thức ăn (370,1 g/con), 2,0 g bột lá XH/kg thức ăn (344,0 g/con) và thấp nhất là đối chứng (344,0 g/con). Tỷ lệ sống ở nghiệm thức đối chứng thấp nhất (75,6%), kế đến nghiệm thức 1 (93,3%) và nghiệm thức 2 (97,8%) và cao nhất ở nghiệm thức 3 (100%). Tỉ lệ mắc bệnh và số ngày khỏi bệnh trung bình ở nghiệm thức đối chứng cao nhất (33,3% và 5,5 ngày), thấp nhất ở nghiệm thức 2 (4,4% và 1,0 ngày) và kế đến nghiệm thức 1 (11,1% và 5,0 ngày), ở nghiệm thức 3 gà không bị bệnh. Như vậy, bổ sung bột lá XH vào thức ăn tác động tốt trên tăng trọng và phòng bệnh cho gà.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Cây Xuân Hoa (Pseuderanthemum palatiferum) (XH) được xem là cây thuốc quí, theo dân gian có khả năng phòng trị rất nhiều bệnh như tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường tiêu hoá, viêm đại tràng mãn tính, lỵ, táo bón, đau dạ dày, loét hành tá tràng; chảy máu đường ruột, trĩ nội, cầm máu ngoài da; chữa chấn thương, viêm tấy, giập cơ, tiêu mủ, mụn lồi; chữa viêm thận cấp và mãn tính, suy thận; chữa các bệnh u ở phổi, u xơ tuyến tiền liệt, làm giảm đau khi bị ung thư ở thời kỳ cuối; cũng dùng chữa đau gan, viêm gan, xơ gan cổ trướng; chữa đau mắt đỏ, ứ máu trong mắt; điều hoà huyết áp; ngoài ra, cũng sử dụng để khôi phục sức khoẻ cho người ốm yếu, suy nhược thần kinh, làm việc quá sức, mệt mỏi toàn thân, người già, rối loạn thần kinh thực vật (Nguyễn Minh Đức, 2004).Vì vậy nó được gọi là cây thuốc kỳ diệu mặc dù chưa được kiểm nghiệm bằng những công trình nghiên cứu khoa học. Đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về cây này cho thấy trong lá cây chứa hàm lượng dưỡng chất cao, có khả năng tác động trên nhiều loài vi khuẩn và trên nấm (đặc biệt trên Staphylococcus aureus kháng Methicillin), chứa nhiều chất có khả năng chống oxy hóa cao, không độc tính và còn có khả năng bảo vệ tế bào gan (Trần Công Khánh & cs, 1998; Võ Hoài Bắc & Lê Thị Lan Oanh, 2003; Phan Minh Giang & cs, 2005; Huỳnh Kim Diệu, 2008, 2010). Lá cây XH được sử dụng phòng trị tiêu chảy cho heo con hiệu quả tương đương với các kháng sinh đang sử dụng điều trị hiệu quả và còn tác động tốt trên tăng trọng của heo (Huỳnh Kim Diệu, 2009). Bên cạnh đó bột XH còn có khả năng phòng bệnh xuất huyết và gan thận mủ ở cá tra (Huỳnh Kim Diệu, 2011). Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu thử nghiệm tác dụng của lá XH trên gia cầm. Để góp phần tìm hiểu tác dụng của cây XH, nghiên cứu khả năng tác động trên tăng trọng và phòng bệnh trên gà được thực hiện.




Ngô Thành Tâm, Huỳnh Kim Diệu*
Bộ môn Thú y, Khoa Nông nghiệp & SHƯD, Trường Đại học Cần Thơ