TÌNH HÌNH CHUNG
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong tháng 1, tình hình phát triển tốt. Các cơ sở chăn nuôi giữ ổn định quy mô, nguồn cung thịt các loại và trứng gia cầm đáp ứng đầy đủ cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán. Ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 1 năm 2023 tăng khoảng 10,4% so với cùng thời điểm năm 2022; tổng số gia cầm tăng khoảng 3,4%. Giá trị xuất khẩu sảnphẩm chăn nuôi trong tháng 1/2023 ước đạt 30 triệu USD, tăng 14,5%.
- Chăn nuôi trâu, bò:
Tình hình đàn trâu, bò cả nước trong tháng phát triển tương đối ổn định, thời tiết tại các tỉnh miền núi phía Bắc trong tháng Một có những đợt rét đậm nên người chăn nuôi đã chủ động các biện pháp phòng chống rét, bảo vệ đàn vật nuôi.
Theo Tổng cục Thống kê, uớc tính tổng số trâu của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 1 năm 2023 giảm khoảng 1,7%; tổng số bò tăng khoảng 3,0% so với cùng thời điểm năm 2022.
– Chăn nuôi lợn:
Giá thịt lợn hơi trong tháng 1 vẫn chưa khởi sắc. Nguồn cung thịt lợn đã hồi phục tốt trong thời gian vừa qua khiến giá lợn giảm, tuy nhiên giá thức ăn chăn nuôi tăng cao liên tục khiến chi phí sản xuất tăng. Vấn đề này tạo áp lực lớn đối với người chăn nuôi lợn. Ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 1 năm 2023 tăng khoảng 10,4% so với cùng thời điểm năm 2022.
– Chăn nuôi gia cầm:
Nhìn chung trong tháng 1, đàn gia cầm cả nước phát triển tốt. Các cơ sở chăn nuôi giữ ổn định quy mô, nguồn cung thịt và trứng gia cầm đáp ứng đầy đủ cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán. Ước tính tổng số gia cầm của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng Một năm 2023 tăng khoảng 3,4% so với cùng thời điểm năm 2022.
– Thú y:
Theo báo cáo của Cục Thú Y, tính đến ngày 25/01/2023 tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của cả nước cụ thể như sau:
Dịch bệnh Cúm gia cầm (CGC): Hiện nay, cả nước có 01 ổ dịch CGC A/H5N1 tại tỉnh Quảng Ninh.
Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP): Hiện nay, có 14 xã thuộc 12 huyện của 10 tỉnh có DTLCP chưa qua 21 ngày. Số lợn mắc bệnh là 1.717 con; tổng số lợn bị chết và tiêu hủy là 1.859 con.
Các dịch bệnh Lở mồm long móng gia súc, Viêm da nổi cục, Dịch bệnh Tai xanh trên lợn: Hiện nay, cả nước không có dịch bệnh.
THỊ TRƯỜNG CHĂN NUÔI
Trên thị trường thế giới, giá lợn nạc giao tháng 2/2023 ở Chicago, Mỹ biến động giảm trong tháng qua với mức giảm 13,475 UScent/lb xuống mức 77,325 UScent/lb. Giá thịt lợn Mỹ giảm do nhu cầu trong nước giảm và xuất khẩu sang Trung Quốc suy yếu.
Tại thị trường trong nước, trong tháng 1/2023, giá lợn hơi biến động tùy theo vùng, miền khác nhau. Cụ thể, tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi ổn định, dao động trong khoảng 51.000 – 53.000 đ/kg. Trong khi đó, giá lợn hơi tại miền Trung, Tây Nguyên tăng khoảng 2.000 đ/kg lên 51.000 – 54.000 đ/kg. Giá lợn hơi tại miền Nam tăng 1.000 đ/kg lên 51.000 – 54.000 đ/kg.
Giá thu mua gà tại trại biến động giảm tại các vùng miền trong tháng 1/2023. Giá gà thịt lông màu ngắn ngày tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam giảm 4.000 đồng/kg, xuống mức 39.000 – 40.000 đồng/kg. Giá gà thịt lông màu ngắn ngày giảm do nguồn cung khá dồi dào.
Giá gà công nghiệp miền Trung và miền Nam giảm 12.000 – 14.000 đồng/kg, xuống mức 18.000 – 20.000 đồng/kg. Việc giảm giá vào dịp Tết do nhu cầu tiêu thụ thịt gà công nghiệp trên thị trường giảm mạnh, nhất là các kênh tiêu thụ lớn là các bếp ăn công nghiệp, bếp ăn tập thể của doanh nghiệp, trường học đều nghỉ Tết.
Giá trứng gà miền Bắc và miền Trung giảm 200 đồng/quả xuống mức 1.800 – 2.000 đồng/quả. Giá trứng gà ở vùng Đông Nam Bộ tăng 100 đồng/quả, lên mức 2.100 – 2.200 đồng/quả; vùng Tây Nam Bộ ổn định ở mức 1.900 – 2.000 đồng/quả.
Biểu đồ. Diễn biến giá lợn, gà và vịt hơi (giá tại trại) tại các tỉnh phía Nam
Xem chi tiết tại: http://channuoivietnam.com/bieu-2/
THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU
– Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi:
Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi năm 2022 đạt 409 triệu USD, giảm 5,2% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 106,4 triệu USD, giảm 3,5%; thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 115,2 triệu USD, giảm 0,5%. Ước giá trị xuất khẩu chăn nuôi tháng 1 năm 2023 đạt 30 triệu USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2022.
– Xuất khẩu thức ăn chăn nuôi:
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thức ăn gia súc của cả nước trong tháng 1/2023 đạt 50,06 triệu USD, giảm mạnh 45% so với tháng 12/2022, và giảm 40% so với tháng 1/2022.
Xuất khẩu thức ăn gia súc sang thị trường Trung Quốc – thị trường lớn nhất, tháng 1/2023 tiếp tục giảm mạnh 66,9% so với tháng 12/2022 và giảm 59,5% so với tháng 1/2022, đạt 12,47 triệu USD, chiếm 24,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Xuất khẩu thức ăn gia súc sang thị trường Campuchia – thị trường lớn thứ 2 trong tháng 1/2023 giảm 6,2% so với tháng 12/2022 và giảm 7% so với tháng 1/2022, đạt 10,57 triệu USD, chiếm 21,1% trong tổng kim ngạch.
Thị trường Malaysia xếp thứ 3 về kim ngạch, đạt 7,09 triệu USD, giảm 16,5% so với tháng 12/2022; nhưng tăng mạnh 40,8% so với tháng 1/2022; chiếm 14,2% trong tổng kim ngạch.
Xuất khẩu thức ăn gia súc sang thị trường FTA-RCEP trong tháng 1/2023 giảm mạnh 44,9% so với tháng 12/2022 và giảm 41,3% so với tháng 1/2022, đạt 38,04 triệu USD, chiếm 76% trong tổng kim ngạch. Xuất khẩu sang thị trường CPTTP giảm 17,6% so với tháng 12/2022 nhưng tăng 20,9% so với tháng 1/2022, đạt 9 triệu USD, chiếm 18% trong tổng kim ngạch.
Xuất khẩu thức ăn gia súc tháng 1/2023
(Tính toán từ số liệu công bố ngày 12/2/2023 của TCHQ). ĐVT: USD

THỊ TRƯỜNG NHẬP KHẨU
– Nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi:
Giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi năm 2022 đạt 3,29 tỷ USD, giảm 0,7% so với năm 2021. Trong đó, giá trị nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa đạt 1,25 tỷ USD, tăng 6,4%; giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 1,52 tỷ USD, tăng 9,1%.
Ước giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi tháng 1 năm 2023 đạt 285 triệu USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2022.
- Thức ăn gia súc và nguyên liệu:
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu về Việt Nam tháng 1/2023 sụt giảm mạnh 35,5% so với tháng 12/2022 nhưng tăng 7,2% so với tháng 1/2022, đạt 377,27 triệu USD.
Nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu nhiều nhất từ thị trường Achentina, chiếm 38,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt trên 145,62 triệu USD, giảm 17,4% so với tháng 12/2022 nhưng tăng mạnh 51,2% so với tháng 1/2022.
Đứng thứ 2 là thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng 15,7%, đạt trên 59,35 triệu USD, giảm 53,9% so với tháng 12/2022; nhưng tăng 34,7% so với tháng 1/2022.
Tiếp đến thị trường Ấn Độ trong tháng 1/2023 nhập khẩu giảm mạnh 37,4% so với tháng 12/2022 nhưng tăng mạnh 213,3% so với tháng 1/2022, đạt trên 54,21 triệu USD, chiếm 14,4% trong tổng kim ngạch.
Nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu từ thị trường ASEAN trong tháng 1/2023 giảm mạnh 40,7% so với tháng 12/2022 và giảm 24% so với tháng 1/2022, đạt 19,25 triệu USD, chiếm 5,1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu của cả nước.
Nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu tháng 1/2023
(Theo số liệu công bố ngày 12/2/2023 của TCHQ). ĐVT: USD

- Đậu tương:
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu đậu tương trong tháng 1/2023 đạt 68.702 tấn, tương đương 46,15 triệu USD, giá trung bình 671,8 USD/tấn.
Giảm mạnh 66,2% về lượng và giảm 66,5% kim ngạch so với tháng 12/2022 và giá giảm nhẹ 0,8%; so với tháng 1/2022 giảm mạnh 63% về lượng, giảm 59% về kim ngạch nhưng tăng 10,4% về giá.
Trong tháng 1/2023, Việt chỉ nhâp khẩu đậu tương ở 3 thị trường chủ yếu là Mỹ, Canada và Campuchia; trong đó nhập khẩu nhiều nhất từ thị trường Mỹ, chiếm gần 82,3% trong tổng lượng và chiếm 81,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước, đạt 56.564 tấn, tương đương 37,49 triệu USD, giá 662,9 USD/tấn, sụt giảm mạnh 42% về lượng, giảm 44,3% kim ngạch và giảm 3,8% về giá so với tháng 12/2022, và so với tháng 1/2022 cũng giảm mạnh 39,6% về lượng, giảm 33% kim ngạch nhưng tăng 10,8% về giá.
Nhập khẩu đậu tương từ thị trường Canada – thị trường lớn thứ 2, chiếm 15% trong tổng lượng và chiếm 16% tổng kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước, trong tháng 1/2023 tăng mạnh 43% về lượng và tăng 38,9% kim ngạch so với tháng 12/2022 nhưng giá giảm nhẹ 2,9%, đạt 10.300 tấn, tương đương 7,4 triệu USD, giá trung bình 718,6 USD/tấn; nhưng so với tháng 1/2022 thì giảm mạnh 36,6% về lượng, giảm 27,2% về kim ngạch nhưng giá tăng 14,7%.
Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu đậu tương từ thị trường Campuchia tháng 1/2023 đạt 50 tấn, tương đương 40.000 USD, giá 800 USD/tấn, giảm mạnh 95% cả về lượng và kim ngạch so với tháng 12/2022, và cũng giảm mạnh 98% cả về lượng và kim ngạch so với tháng 1/2022.
Nhập khẩu đậu tương tháng 1/2023
(Tính toán theo số liệu công bố ngày 12/2/2023 của TCHQ)

– Lúa mì:
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2023 cả nước nhập khẩu 236.477 tấn lúa mì, tương đương 86,55 triệu USD, giá trung bình 366 USD/tấn, tăng 8% về lượng, tăng 4,9% kim ngạch nhưng giảm 2,9% về giá so với tháng 12/2022. So với tháng 1/2022 thì giảm 29,5% về lượng, giảm 25,2% kim ngạch nhưng tăng 6% về giá.
Trong tháng 1/2023 nhập khẩu lúa mì từ thị trường chủ đạo Australia sụt giảm 17,8% về lượng, giảm 22,7% kim ngạch và giảm 5,9% về giá so với tháng 12/2022, đạt 112.875 tấn, tương đương 41,07 triệu USD, giá 363,8 USD/tấn; so với tháng 1/2022 thì giảm mạnh 48,8% về lượng, giảm 48,3% kim ngạch nhưng tăng nhẹ 1% về giá; chiếm gần 48% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu lúa mì của cả nước.
Đứng sau thị trường chủ đạo Australia là thị trường Brazil chiếm 46,6% trong tổng lượng và chiếm 45,8% trong tổng kim ngạch, đạt 110.237 tấn, tương đương 39,65 triệu USD, giá trung bình 359,6 USD/tấn, tăng mạnh cả về lượng, kim ngạch và giá so với tháng 1/2022, với mức tăng tương ứng 56,7%, 76% và 12,4%.
Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu lúa mì từ thị trường Mỹ 7.282 tấn, tương đương 3,19 triệu USD, giá 438,3 USD/tấn, tăng 27,2% về lượng, tăng 29,1% kim ngạch và tăng 1,5% về giá so với tháng 12/2022; còn so với tháng 1/2022 thì tăng mạnh 153,8% về lượng, tăng 209,6% kim ngạch và tăng 22% về giá; chiếm trên 3% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu lúa mì của cả nước.
Đáng chú ý, nhập khẩu lúa mì từ thị trường Canada chỉ đạt 6.083 tấn, tương đương 2,65 triệu USD, nhưng so với tháng 1/2022 thì tăng rất mạnh 1.152% về khối lượng và tăng 1.189% về kim ngạch.
Nhập khẩu lúa mì tháng 1/2023
(Tính toán theo số liệu công bố ngày 12/2/2023 của TCHQ)

– Ngô:
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu ngô các loại trong tháng 1/2023 đạt trên 804.535 tấn, trị giá gần 269,35 triệu USD, giá trung bình 334,8 USD/tấn, giảm 30,5% về lượng, giảm 30,3% kim ngạch nhưng tăng nhẹ 0,4% về giá so với tháng 12/2022.
So với tháng 1/2022 cũng giảm 24,4% về lượng, giảm 20,8% về kim ngạch nhưng tăng 4,8% về giá.
Brazil là thị trường chủ đạo cung cấp ngô cho Việt Nam trong tháng 1/2023, chiếm trên 58% trong tổng lượng và chiếm 57,1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước, đạt 466.503 tấn, tương đương gần 153,92 triệu USD, giảm 0,06% về lượng, giảm 1,7% kim ngạch và giảm 1,7% về giá so với tháng 12/2022; so với tháng 1/2022 tăng rất mạnh 246,7% về lượng, tăng 264,5% về kim ngạch, giá tăng 5,2%.
Nhập khẩu ngô từ Achentina tháng 1/2023 đạt 263.297 tấn, tương đương 88,47 triệu USD, giá 336 USD/tấn, chiếm gần 33% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước, giảm 27,2% về lượng, giảm 26,2% về kim ngạch nhưng giá tăng nhẹ 1,3% so với tháng 12/2022; so với tháng 1/2022 cũng giảm mạnh 55,8% về lượng, giảm 54% về kim ngạch, nhưng giá tăng 3,8%.
Ngoài ra, nhập khẩu ngô từ thị trường thị trường Đông Nam Á tháng 1/2023 đạt 20.765 tấn, tương đương 8,77 triệu USD, giá 422,2 USD/tấn, chiếm 2,6% trong tổng lượng và chiếm 3,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước, tăng mạnh 131% về lượng, tăng 146,7% về kim ngạch và giá tăng 6,7% so với tháng 12/2022; so với tháng 1/2022 cũng tăng rất mạnh 4.235% về lượng, tăng 676% về kim ngạch.
Nhập khẩu ngô tháng 1/2023
(Tính toán theo số liệu công bố ngày 12/2/2023 của TCHQ)

Nguồn tin: http://channuoivietnam.com