TÌNH HÌNH CHUNG
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong tháng 2, chăn nuôi phát triển tốt, các cơ sở chăn nuôi giữ ổn định quy mô. Ước tính đến thời điểm cuối tháng 2 năm 2023, tổng số lợn của cả nước tăng khoảng 8,6% so với cùng thời điểm năm 2022; tổng số gia cầm tăng khoảng 3%. Trong tháng 2/2023, một số mặt hàng nông sản có xu hướng tăng giá. Tuy nhiên, giá lợn hơi trên cả nước giảm do mức tiêu thụ thấp trong khi nguồn cung dồi dào.
Tình hình chăn nuôi trong tháng phát triển tương đối ổn định. Nguồn cung thịt lợn đã hồi phục tốt khiến giá lợn giảm, tuy nhiên giá thức ăn chăn nuôi tăng cao liên tục khiến chi phí sản xuất tăng, tạo áp lực lớn đối với người sản xuất chăn nuôi lợn. Đàn gia cầm cả nước phát triển tốt trong tháng Hai, các cơ sở chăn nuôi giữ ổn định quy mô, nguồn cung thịt và trứng gia cầm đáp ứng đầy đủ cho thị trường. Tuy nhiên, thời tiết có độ ẩm cao tại nhiều tỉnh miền Bắc là môi trường khiến nhiều loại virus dễ phát sinh và lây lan dịch bệnh. Tình hình chăn nuôi cụ thể của các loại gia súc, gia cầm như sau:
Chăn nuôi trâu, bò:
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đàn trâu, bò trên cả nước trong tháng 2 phát triển tương đối ổn định. Ước tính tổng số trâu của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 2/2023 giảm 1,4%; tổng số bò tăng 3,4% so với cùng thời điểm năm 2022.
Chăn nuôi lợn:
Giá thịt lợn hơi trong tháng vẫn chưa khởi sắc, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao liên tục khiến chi phí sản xuất tăng, tạo áp lực lớn đối với người sản xuất chăn nuôi lợn. Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 2/2023 tăng 8,6% so với cùng thời điểm năm 2022.
Chăn nuôi gia cầm:
Nhìn chung, trong tháng đàn gia cầm trên cả nước phát triển tốt; các cơ sở chăn nuôi giữ ổn định quy mô, nguồn cung thịt và trứng gia cầm đáp ứng đầy đủ cho thị trường. Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, tổng số gia cầm của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 2/2023 tăng 3,0% so với cùng thời điểm năm 2022.
Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi trong tháng 2 ước đạt 29 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 2 tháng đầu năm đạt 64 triệu USD, tăng 39,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 16,2 triệu USD, tăng 10,2%; thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 16,9 triệu USD, tăng 14,2%.
Giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi trong tháng 2 ước đạt 185 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi 2 tháng đầu năm đạt 374 triệu USD, giảm 20,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa ước đạt 184 triệu USD, giảm 19,1%; giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 136 triệu USD, giảm 30,7%.
Thú y
Theo báo cáo của Cục Thú Y, tính đến ngày 23/2/2023 tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của cả nước cụ thể như sau:
– Bệnh Cúm gia cầm (CGC)
Trong tháng Hai, phát sinh 01 ổ dịch CGC A/H5N1 tại tỉnh Nghệ An. Từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 03 ổ dịch CGC A/H5N1 tại 3 tỉnh: Nghệ An, Quảng Ninh và Ninh Bình.
Hiện nay, cả nước có 02 ổ dịch CGC A/H5N1 tại 2 tỉnh Nghệ An và Ninh Bình. So với cùng kỳ năm 2022, số ổ dịch giảm 50%, số gia cầm phải tiêu hủy tại các ổ dịch giảm 73,23%.
– Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP)
Trong tháng Hai, cả nước phát sinh 09 ổ dịch tại 9 tỉnh. Tổng số lợn bị tiêu hủy là 405 con. Từ đầu năm đến nay, cả nước phát sinh 47 ổ dịch tại 17 tỉnh; tổng số lợn bị tiêu hủy là 2.056 con.
Hiện nay, có 29 xã tại 13 tỉnh chưa qua 21 ngày. Số lợn mắc bệnh là 1.317 con; tổng số lợn bị chết và tiêu hủy là 1.491 con. So với cùng kỳ năm 2022, số ổ dịch giảm 90,9%; số lợn phải tiêu hủy tại các ổ dịch giảm 91%.
– Bệnh Lở mồm long móng (LMLM)
Trong tháng Hai, cả nước không phát sinh ổ dịch LMLM. Từ đầu năm đến nay, cả nước phát sinh 03 ổ dịch tại 3 tỉnh: Cao Bằng, Lang Sơn và Phú Yên. Hiện nay, cả nước không có ổ dịch LMLM.
– Bệnh Tai xanh
Trong tháng Hai, cả nước không phát sinh ổ dịch Tai xanh. Từ đầu năm đến nay, cả nước không phát sinh ổ dịch Tai xanh. Hiện nay, cả nước không có báo cáo ổ dịch Tai xanh.
- Bệnh Viêm da nổi cục (VDNC)
Trong tháng Hai, cả nước phát sinh 08 ổ dịch tại 2 tỉnh: Quảng Ngãi và Khánh Hòa. Số trâu, bò mắc bệnh là 30 con. Từ đầu năm đến nay, cả nước phát sinh 12 ổ dịch tại 4 tỉnh: Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Tiền Giang và Bến Tre.
Hiện nay, cả nước có 09 ổ dịch VDNC tại 02 tỉnh: Quảng Ngãi và Khánh Hòa. So với cùng kỳ năm 2022, số ổ dịch giảm 88,88%; số lợn bị phải tiêu hủy tại các ổ dịch giảm 97,78%.

THỊ TRƯỜNG CHĂN NUÔI
Trên thị trường thế giới, giá lợn nạc giao tháng 4/2023 ở Chicago, Mỹ biến động giảm trong tháng qua với mức giảm 0,225 UScent/lb xuống mức 86,55 UScent/lb.
Tại thị trường trong nước, trong tháng 2, giá lợn hơi trên cả nước giảm do mức tiêu thụ thấp trong khi nguồn cung dồi dào. Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi giảm 2.000 đồng/kg. Cụ thể, giá lợn hơi tại Bắc Giang, Yên Bái, Lào Cai, Nam Định và Ninh Bình giảm xuống mức 49.000 đồng/kg. Tỉnh Hưng Yên, giá thu mua lợn hơi ngang với giá tại tỉnh Tuyên Quang là 50.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Nội là 51.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại miền Bắc dao động trong khoảng 49.000 – 51.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi thị trường khu vực miền Trung, Tây Nguyên giảm 1.000 – 3.000 đồng/kg. Theo đó, hai tỉnh Nghệ An và Lâm Đồng thu mua lợn hơi lần lượt với giá thấp nhất và cao nhất khu vực là 48.000 đồng/kg và 53.000 đồng/kg. Lợn hơi tại các tỉnh còn lại giao dịch trong khoảng 49.000 – 52.000 đồng/kg. Hiện tại, giá lợn hơi ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên khoảng 48.000 – 53.000 đồng/kg.
Tại miền Nam, giá lợn hơi giảm 1.000 đồng/kg. Trong đó, giá lợn hơi tại các tỉnh Long An, Cần Thơ và Kiên Giang là 51.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại Đồng Nai và Tây Ninh là 50.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại Cà Mau và Vũng Tàu là 53.000 đồng/kg. Giá lợn hơi khu vực miền Nam dao động trong khoảng 50.000 – 53.000 đồng/kg.
Giá thu mua gà tại trại trong tháng 2 biến động trái chiều tại các vùng miền.
Giá gà thịt lông màu ngắn ngày ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam giảm 8.000 đồng/kg xuống mức 33.000 – 34.000 đồng/kg. Giá gà thịt lông màu ngắn ngày giảm là do đã hết giai đoạn lễ hội, sức tiêu thụ tại các nhà hàng, quán ăn giảm trong khi nguồn cung ở mức cao.
Giá gà công nghiệp miền Nam tăng 1.000 – 2.000 đồng/kg lên mức 23.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp miền Bắc tăng 1.000 đồng/kg lên 30.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp miền Trung giảm 3.000 đồng/kg xuống còn 23.000 đồng/kg.
Giá trứng gà miền Bắc tăng 100 đồng/quả lên mức 1.750 -1.850 đồng/quả. Giá trứng gà miền Trung giảm 50 đồng/quả xuống mức 1.650 – 1.850 đồng/quả. Giá trứng gà miền Đông Nam Bộ giảm 100 đồng/quả xuống mức 1.900 – 2.000 đồng/quả. Giá trứng gà miền Tây Nam Bộ ổn định ở mức 1.800 – 1.900 đồng/quả.
Biểu đồ. Diễn biến giá lợn, gà và vịt hơi (giá tại trại) tại các tỉnh phía Nam
Xem chi tiết tại: http://channuoivietnam.com/bieu-2/
THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU
– Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi:
Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi trong tháng 2 ước đạt 29 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 2 tháng đầu năm đạt 64 triệu USD, tăng 39,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 16,2 triệu USD, tăng 10,2%; thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 16,9 triệu USD, tăng 14,2%.
– Xuất khẩu thức ăn chăn nuôi:
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thức ăn gia súc của cả nước trong 2 tháng đầu năm 2023 đạt 129,4 triệu USD, giảm 19,9% so với 2 tháng đầu năm 2022.
Riêng tháng 2/2023 đạt 79,35 triệu USD, tăng mạnh 58,5% so với tháng 1/2023 và tăng 1,8% so với tháng 2/2022.Xuất khẩu thức ăn gia súc sang thị trường Trung Quốc – thị ttường lớn nhất, tháng 2/2023 tăng mạnh 194% so với tháng 1/2023 nhưng giảm 3,4% so với tháng 2/2022, đạt 36,66 triệu USD, tính chung kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này 2 tháng đầu năm 2023 đạt 49,13 triệu USD, giảm 28,5% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 38% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Xuất khẩu thức ăn gia súc sang thị trường Campuchia – thị trường lớn thứ 2 trong 2 tháng đầu năm 2023 tăng 23,8% so với cùng kỳ, đạt 24,71 triệu USD, chiếm 19,1% trong tổng kim ngạch; riêng tháng 2/2023 tăng 33,9% so với tháng 1/2023 và tăng mạnh 64,4% so với tháng 2/2022, đạt 14,15 triệu USD.Thị trường Malaysia xếp thứ 3 về kim ngạch, đạt 15,5 triệu USD, tăng mạnh 66,6% so với cùng kỳ; riêng trong tháng 2/2023 tăng 18,6% so với tháng 1/2023 và tăng mạnh 97% so với tháng 2/2022, đạt 8,41 triệu USD.
Xuất khẩu thức ăn gia súc sang thị trường FTA-RCEP trong 2 tháng đầu năm 2023 giảm 14,7% so với cùng kỳ, đạt 106,48 triệu USD, chiếm 82,3% trong tổng kim ngạch. Xuất khẩu sang thị trường CPTTP tăng 37,7% so với cùng kỳ, đạt 19,48 triệu USD, chiếm 15% trong tổng kim ngạch.
Xuất khẩu thức ăn gia súc 2 tháng đầu năm 2023
(Tính toán từ số liệu công bố ngày 10/3/2023 của TCHQ). ĐVT: USD

THỊ TRƯỜNG NHẬP KHẨU
– Nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi:
Giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi trong tháng 2 ước đạt 185 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi 2 tháng đầu năm đạt 374 triệu USD, giảm 20,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa ước đạt 184 triệu USD, giảm 19,1%; giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 136 triệu USD, giảm 30,7%.
- Thức ăn gia súc và nguyên liệu:
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt gần 744,14 triệu USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu về Việt Nam tháng 2/2023 giảm 2,5% so với tháng 1/2023 nhưng tăng 33,4% so với tháng 2/2022, đạt 367,93 triệu USD.
Tính chung trong 2 tháng đầu năm 2023 nhập khẩu nhóm hàng này đạt gần 744,14 triệu USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2022.Nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu nhiều nhất từ thị trường Achentina, chiếm 38,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt trên 284,54 triệu USD, tăng mạnh 67,8% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó riêng tháng 2/2023 đạt 140,06 triệu USD, giảm 3,8% so với tháng 1/2023 nhưng tăng mạnh 91,6% so với tháng 2/2022.Đứng thứ 2 là thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng 16,8%, đạt trên 125,13 triệu USD, tăng 48,5% so với cùng kỳ; riêng tháng 2/2023 nhập khẩu từ thị trường này đạt 65,69 triệu USD, tăng 10,7% so với tháng 1/2023 và tăng mạnh 63,5% so với tháng 2/2022.
Tiếp đến thị trường Ấn Độ trong tháng 2/2023 nhập khẩu giảm mạnh 46,4% so với tháng 1/2023 nhưng tăng 66% so với tháng 2/2022, đạt trên 29,07 triệu USD; cộng chung cả 2 tháng đầu năm 202 nhập khẩu từ thị trường này tăng 139,2% so với cùng kỳ năm 2022; đạt 83,28 triệu USD, chiếm 11,2% trong tổng kim ngạch.
Nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu từ thị trường Đông Nam Á trong 2 tháng đầu năm 2023 giảm 8,5% so với 2 tháng đầu năm 2022, đạt 48,86 triệu USD.
Nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu 2 tháng đầu năm 2023
(Theo số liệu công bố ngày 10/3/2023 của TCHQ). ĐVT: USD


– Đậu tương:
2 tháng đầu năm 2023 cả nước nhập khẩu 301.876 tấn đậu tương, trị giá gần 213,33 triệu USD, giá trung bình 706,7 USD/tấn.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu đậu tương trong tháng 2/2023 đạt 233.149 tấn, tương đương 167,17 triệu USD, giá trung bình 717 USD/tấn, tăng 239,4% về lượng và tăng 262,2% kim ngạch so với tháng 1/2023, giá tăng 6,7%; so với tháng 2/2022 tăng 24% về lượng, tăng 42% về kim ngạch và tăng 14,5% về giá.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2023 cả nước nhập khẩu 301.876 tấn đậu tương, trị giá gần 213,33 triệu USD, giá trung bình 706,7 USD/tấn, giảm 19% về lượng, giảm 7,3% kim ngạch nhưng tăng 14,5% về giá so với cùng kỳ năm 2022.
Đậu tương nhập khẩu về Việt Nam từ thị trường Mỹ nhiều nhất, trong tháng 2/2023 tăng mạnh 172,6% về lượng và tăng 199% kim ngạch so với tháng 1/2023, giá tăng 9,7%, đạt 154.190 tấn, tương đương 112,13 triệu USD, giá 727,2 USD/tấn; Tính chung, 2 tháng đầu năm 2023 nhập khẩu đậu tương từ thị trường này đạt 210.754 tấn, tương đương 149,63 triệu USD, chiếm gần 69,8% trong tổng lượng và chiếm 70% trong tổng kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước.
Nhập khẩu đậu tương từ thị trường Brazil – thị trường lớn thứ 2 trong 2 tháng đầu năm 2023 đạt 66.085 tấn, tương đương 45,54 triệu USD, giá 689 USD/tấn, chiếm trên 21% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước, giảm mạnh 68,5% về lượng, giảm 65% về kim ngạch nhưng giá tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, nhập khẩu đậu tương từ thị trường Canada 2 tháng đầu năm 2023 đạt 20.226 tấn, tương đương 14,82 triệu USD, giá 732,5 USD/tấn, giảm 23,3% về lượng, giảm 13,4% về kim ngạch nhưng giá tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu từ thị trường Campuchia đạt 220 tấn, tương đương 171.300 USD, giá 778,6 USD/tấn, giảm trên 93% cả về lượng và kim ngạch nhưng tăng 8,7% về giá.
Nhập khẩu đậu tương 2 tháng đầu năm 2023
(Tính toán theo số liệu công bố ngày 10/3/2023 của TCHQ)

– Lúa mì:
2 tháng đầu năm 2023 lượng lúa mì nhập khẩu của cả nước đạt 620.547 tấn, tương đương trên 229,33 triệu USD, tăng 6,5% về khối lượng, tăng 9,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 2/2023 cả nước nhập khẩu 384.070 tấn lúa mì, tương đương 142,8 triệu USD, giá trung bình 371,8 USD/tấn, tăng mạnh 62,4% về lượng, tăng 65% kim ngạch và tăng 1,6% về giá so với tháng 1/2023. So với tháng 2/2022 cũng tăng 55,2 % về lượng, tăng 51,2% kim ngạch nhưng giảm 2,6% về giá.
Tính chung trong 2 tháng đầu năm 2023 lượng lúa mì nhập khẩu của cả nước đạt 620.547 tấn, tương đương trên 229,33 triệu USD, tăng 6,5% về khối lượng, tăng 9,2% về kim ngạch so với 2 tháng đầu năm 2022, giá trung bình đạt 369,6 USD/tấn, tăng 2,5%.
Trong tháng 2/2023 nhập khẩu lúa mì từ thị trường chủ đạo Australia tăng mạnh 98,6% về lượng và tăng 96,8% kim ngạch, nhưng giảm 0,9% về giá so với tháng 1/2023, đạt 224.188 tấn, tương đương 80,84 triệu USD, giá 360,6 USD/tấn; so với tháng 2/2022 cũng tăng 102% về lượng, tăng 104% kim ngạch và tăng nhẹ 0,9% về giá. Tính chung cả 2 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu lúa mì từ thị trường Australia, chiếm gần 54,3% trong tổng lượng và chiếm 53,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu lúa mì của cả nước, đạt 337.064 tấn, tương đương 121,9 triệu USD, giá trung bình 361,7 USD/tấn, tăng 1,7% về lượng, tăng 2,4% về kim ngạch và tăng 0,7% về giá so với 2 tháng đầu năm 2022.
Bên cạnh thị trường chủ đạo Australia là thị trường Brazil chiếm trên 34% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, đạt 212.891 tấn, tương đương 78,48 triệu USD, giá trung bình 368,6 USD/tấn, tăng mạnh cả về lượng, kim ngạch giá so với 2 tháng đầu năm 2022, với mức tăng tương ứng 114,3%, 141% và 12,5%.Tiếp đến thị trường Canada đạt 40.287 tấn, tương đương 17,23 triệu USD, giá 427,6 USD/tấn, tăng rất mạnh 1.744% về lượng, tăng 1.634% kim ngạch nhưng giảm 5,9% về giá so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 6,5% trong tổng lượng và chiếm 7,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu lúa mì của cả nước.
Nhập khẩu lúa mì từ thị trường Mỹ chỉ đạt 8.031 tấn, tương đương 3,52 triệu USD, giảm mạnh trên 89% cả về khối lượng và kim ngạch so với 2 tháng đầu năm 2022.
Nhập khẩu lúa mì 2 tháng đầu năm 2023
(Tính toán theo số liệu công bố ngày 10/3/2023 của TCHQ)

– Ngô:
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu ngô các loại trong 2 tháng đầu năm 2023 đạt trên 1,42 triệu tấn, trị giá trên 477,69 triệu USD, giá trung bình 336,3 USD/tấn, giảm 9,6% về lượng, giảm 5,3% kim ngạch nhưng tăng 4,8% về giá so với 2 tháng đầu năm 2022.
Trong đó, riêng tháng 2/2023 đạt 638.359 tấn, tương đương 215,57 triệu USD, giá trung bình 337,7 USD/tấn, giảm 20,7% về lượng, giảm 20% kim ngạch, nhưng giá tăng 0,9% so với tháng 1/2023; so với tháng 2/2022 thì tăng mạnh 25,8% về lượng, tăng 31,5% về kim ngạch và tăng 4,5% về giá.
Brazil là thị trường chủ đạo cung cấp ngô cho Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2023, chiếm trên 57% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước, đạt 820.119 tấn, tương đương gần 272,64 triệu USD, giá 332,4 USD/tấn, tăng mạnh 242% về lượng, tăng 261,3% kim ngạch và tăng 5,6% về giá so với cùng kỳ năm 2022; riêng tháng 2/2023 đạt 375.669 tấn, tương đương 125,75 triệu USD, giá 334,7 USD/tấn, giảm 19,5% về lượng, giảm 18,3% kim ngạch so với tháng 1/2023, giá tăng nhẹ 1,5%; so với tháng 2/2022 thì tăng mạnh 257% về lượng, tăng 278% về kim ngạch, giá tăng 5,9%.
Thị trường lớn thứ 2 là Achentina, trong 2 tháng đầu năm 2023 đạt 277.945 tấn, tương đương 93,26 triệu USD, giá 335,5 USD/tấn, chiếm gần 20% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước, giảm mạnh 66% về lượng, giảm 65% về kim ngạch nhưng giá tăng nhẹ 3,2% so với 2 tháng đầu năm 2022.
Tiếp đến thị trường Ấn Độ 2 tháng đầu năm 2023 đạt 233.789 tấn, tương đương 76,66 triệu USD, giá 327,9 USD/tấn, chiếm trên 16% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước, giảm mạnh 35,2% về lượng, giảm 31% về kim ngạch nhưng giá tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước.
Nhập khẩu ngô 2 tháng đầu năm 2023
(Tính toán theo số liệu công bố ngày 10/3/2023 của TCHQ)

Nguồn tin: http://channuoivietnam.com