TÌNH HÌNH CHUNG
Sản xuất chăn nuôi cả nước quý I năm 2022 thực hiện trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, giá nguyên vật liệu đầu vào ở mức cao, giá TACN biến động mạnh, thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài ở các tỉnh phía Bắc đã ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng và vật nuôi, thêm vào đó là giá xăng, dầu liên tục tăng đã gây áp lực đến các hoạt động sản xuất chăn nuôi cả nước.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong quý I, đàn lợn tiếp tục đà hồi phục, dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát và đàn gia cầm cả nước phát triển ổn định, uớc tính tổng đàn lợn đến thời điểm cuối tháng Ba tăng khoảng 4,2% so với cùng thời điểm năm 2021; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý I ước đạt 1041,6 nghìn tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 24% kế hoạch năm 2022; đàn gia cầm của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng Ba tăng khoảng 2,4% so với cùng thời điểm năm 2021; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng quý I ước đạt 507,3 nghìn tấn, tăng 5,3% và đạt 25% kế hoạch cả năm 2022.
Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 3 năm 2022 ước đạt 30 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 3 tháng đầu năm 2022 ước đạt 76 triệu USD, giảm 22,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 27 triệu USD, tăng 4,8%; thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 24 triệu USD, giảm 9,4%.
Chăn nuôi trâu, bò:
Tình hình chăn nuôi trâu, bò trên cả nước trong quý I 2022 bị ảnh hưởng thời tiết và dịch bệnh. Thời tiết rét đậm, rét hại, băng giá, mưa tuyết trong tháng Hai tại các tỉnh miền Bắc đã khiến hàng nghìn con trâu, bò bị chết rét. Hiện nay, dịch Viêm da nổi cục đã được kiểm soát nhưng vẫn còn xảy ra tại một số tỉnh. Theo Tổng cục Thống kê, ước tính tổng số trâu của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng Ba giảm khoảng 2%; tổng số bò tăng khoảng 1,1% so với cùng thời điểm năm 2021; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng quý I ước đạt 33,9 nghìn tấn, tăng 1,1%; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng quý I ước đạt 128,9 nghìn tấn, tăng 3,4%; sản lượng sữa bò tươi quý I ước đạt 304,4 nghìn tấn, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Chăn nuôi lợn:
Trong quý I, đàn lợn cả nước tiếp tục đà hồi phục, dịch tả lợn châu Phi đang được kiểm soát. Tổng đàn vật nuôi và sản lượng sản xuất tại các doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi đang dần ổn định, đặc biệt là các đơn vị chủ động được nguồn con giống, liên kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra, đảm bảo vệ sinh, an toàn sinh học. Ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng Ba tăng khoảng 4,2% so với cùng thời điểm năm 2021; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý I ước đạt 1041,6 nghìn tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 24% kế hoạch năm 2022.
Chăn nuôi gia cầm:
Nhìn chung đàn gia cầm phát triển ổn định trong quý I do khu vực hộ mở rộng quy mô chăn nuôi, khu vực doanh nghiệp phát triển tốt, dịch bệnh được kiểm soát, chỉ phát sinh một số ổ dịch nhỏ lẻ. Ước tính tổng số gia cầm của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng Ba tăng khoảng 2,4% so với cùng thời điểm năm 2021; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng quý I ước đạt 507,3 nghìn tấn, tăng 5,3% và đạt 25% kế hoạch năm 2022; sản lượng trứng gia cầm quý I ước đạt 4,6 tỷ quả, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Đến nay, toàn quốc có 27/63 tỉnh/TP (chiếm 42,9%) đã ban hành Nghị quyết về vùng được phép chăn nuôi; có 22 tỉnh/TP (34,9%) có Nghị quyết về vùng nuôi chim yến; có 21/63 tỉnh/TP (33,3%) đã ban hành chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi; 29/63 tỉnh/TP (46%) đã ban hành Quyết định về mật độ chăn nuôi. 34 tỉnh/thành phố (chiếm 54%) ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi, ngoài ra 10 địa phương đang xây dựng hoặc trình UNBD phê duyệt.
Thú y:
Theo thông tin từ Cục Thú y, tính đến ngày 21/3 tình hình dịch bệnh trên gia súc và gia cầm như sau:
– Dịch cúm gia cầm: Hiện nay, cả nước có 01 ổ dịch CGC A/H5N1 tại thành phố Hà Nội chưa qua 21 ngày;
– Dịch lợn tai xanh: Hiện nay, cả nước không có dịch Tai xanh;
– Dịch Lở mồm long móng: Hiện nay, cả nước không có dịch bệnh LMLM;
– Dịch tả lợn châu Phi: Hiện nay, cả nước có 100 ổ dịch tại 53 huyện của 24 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày;
– Dịch Viêm da nổi cục: Hiện nay, cả nước có 101 ổ dịch tại 22 huyện của 05 tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đắk Lắk và Bình Định chưa qua 21 ngày.
Tính đến thời điểm cuối tháng Ba, ước tính tổng đàn lợn tăng khoảng 4,2% so với cùng thời điểm năm 2021; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý I ước đạt 1041,6 nghìn tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 24% kế hoạch năm 2022; đàn gia cầm của cả nước tăng khoảng 2,4%, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng quý I ước đạt 507,3 nghìn tấn, tăng 5,3% so với cùng thời điểm năm 2021 và đạt 25% kế hoạch cả năm 2022.

THỊ TRƯỜNG CHĂN NUÔI
Trên thị trường thế giới, giá lợn nạc giao tháng 4/2022 ở Chicago, Mỹ biến động giảm trong tháng qua với mức giảm 0,95 UScent/lb xuống mức 102,55 Ucent/lb. Giá thịt lợn giảm do sức mua thấp.
Tại thị trường trong nước, trong tháng 3/2022, giá lợn hơi miền Bắc biến động giảm với mức giảm 2.000 – 3.000 đồng/kg. Cụ thể, Hưng Yên tiếp tục là địa phương dẫn đầu toàn khu vực, giao dịch ở mức 57.000 đồng/kg. Tại tỉnh Bắc Giang và Phú Thọ giá thu mua lợn hơi dao động 54.000-55.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại, hiện giao dịch trong khoảng 52.000 – 53.000 đồng/kg.
Thị trường lợn hơi khu vực miền Trung, Tây Nguyên giảm 1.000 đồng/kg. Trong đó, hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị ghi nhận mốc giá thấp nhất khu vực là 52.000 đồng/kg. Nghệ An, Bình Định, Lâm Đồng và Đắk Lắk hiện ở mức 53.000 đồng/kg. Các tỉnh thành còn lại thu mua ở mức 54.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại miền Trung, Tây Nguyên dao động trong khoảng 52.000 – 54.000 đồng/kg.
Tại miền Nam, giá lợn hơi giảm 2.000 đồng/kg so với tháng trước. Cụ thể, mốc giá thấp nhất khu vực hiện là 52.000 đồng/kg, ghi nhận tại tỉnh Bình Phước, TP HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu. Nhiều tỉnh, thành phố neo tại mốc 53.000 đồng/kg, gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ. Giá lợn hơi tại miền Nam dao động trong khoảng 52.000 – 53.000 đồng/kg.
Giá thu mua gà tại trại biến động trái chiều tại các vùng miền trong tháng qua. Giá gà thịt lông màu ngắn ngày miền Bắc, miền Trung và miền Nam giảm 4.000 đồng/kg xuống mức 42.000 – 43.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp miền Trung và miền Nam tăng 4.000 đồng/kg lên mức 29.000 – 30.000 đồng/kg. Giá trứng gà miền Bắc, miền Trung và miền Nam tăng 300 – 400 đồng/quả lên mức 1.800 – 2.500 đồng/quả. Giá trứng gà tăng do nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh trong khi nguồn cung giảm.
Giá một số nguyên liệu TACN chính như sau: Ngô hạt tăng 22,7% so với CKNT; Khô dầu đậu tương tăng 13,4%; DDGS (bã ngô) tăng 14,3%; Bột cá tăng 14,2%;… Giá TACN thành phẩm cho lợn thịt tăng 22,5%; cho gà lông trắng tăng 28,8%; cho gà lông màu tăng 24,2%
Biểu đồ. Diễn biến giá lợn, gà và vịt hơi (giá tại trại) tại các tỉnh phía Nam
Xem chi tiết tại: http://channuoivietnam.com/bieu-2/
THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU
Sản phẩm chăn nuôi:
Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 3 năm 2022 ước đạt 30 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 3 tháng đầu năm 2022 ước đạt 76 triệu USD, giảm 22,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 27 triệu USD, tăng 4,8%; thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 24 triệu USD, giảm 9,4%.
Thức ăn gia súc và nguyên liệu:
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu tháng 3/2022 đạt gần 110,95 triệu USD, tăng mạnh 42,3% so với tháng 2/2022 và tăng 22,5% so với tháng 3/2021.
Tính chung cả quý I/2022 xuất khẩu nhóm hàng này đạt 272,55 triệu USD, tăng mạnh 35,5% so với quý I/2021.
Trung Quốc luôn là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại thức ăn gia súc và nguyên liệu của Việt Nam, chiếm 45,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt trên 125,18 triệu USD, tăng mạnh 140,8% so với quý I/2021; trong đó riêng tháng 3/2022 đạt 56,46 triệu USD, tăng 48,8% so với tháng 2/2022 và tăng mạnh 59,3% so với tháng 3/2021.
Tiếp sau đó là thị trường Campuchia chiếm tỷ trọng 11,7%, đạt gần 31,88 triệu USD, giảm 5,3%; riêng tháng 3/2022 xuất khẩu sang thị trường này đạt 11,91 triệu USD, tăng 38,4% so với tháng 2/2022 nhưng giảm 11,8% so với tháng 3/2021.
Xuất khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu sang thị trường Mỹ trong tháng 3/2022 tăng mạnh trở lại, tăng 37% so với tháng 2/2022 và cũng tăng 30% so với tháng 3/2021, đạt 12,29 triệu USD; tính chung cả quý I/2022 xuất khẩu sang thị trường này cũng tăng mạnh 31,9% so với quý I/2021; đạt 31,22 triệu USD, chiếm 11,5% trong tổng kim ngạch.
Xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu sang thị trường FTA RCEP quý I/2022 tăng mạnh 63,7% so với quý I/2021, đạt 211,75 triệu USD; Xuất khẩu sang thị trường FTA CPTTP tăng 11,2%, đạt 22,84 triệu USD.
Xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu quý I/2022
(Theo số liệu công bố ngày 12/4/2022 của TCHQ). ĐVT: USD

XK sắn & các SP từ sắn:
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn 3 tháng đầu năm 2022 đạt trên 956.765 tấn, tương đương 413,06 triệu USD, giá trung bình 431,7 USD/tấn, giảm 4% về khối lượng nhưng tăng 12% về kim ngạch và tăng 16,7% về giá so với 3 tháng đầu năm 2021.
Riêng tháng 3/2022 ước đạt 447.018 tấn, tương đương 198,61 triệu USD, giá trung bình 444,3 USD/tấn, tăng mạnh 79,4% về lượng, tăng 94% kim ngạch và tăng 8,2% về giá so với tháng 2/2022; so với tháng 3/2021 cũng tăng 42,8% về lượng, tăng 70,2% kim ngạch và tăng 19,2% về giá.
Trong tháng 3/2022, riêng xuất khẩu sắn lát ước đạt 135.701 tấn, tương đương 40,92 triệu USD, giá trung bình 301,5 USD/tấn, tăng 31,8% về lượng, tăng 38,3% về kim ngạch và tăng 4,9% về giá so với tháng 2/2022. Tính chung cả 3 tháng, xuất khẩu sắn lát đạt317.573 tấn, tương đương 91,68 triệu USD, giá trung bình 288,7 USD/tấn, giảm 23% về lượng, giảm 11,2% về kim ngạch nhưng tăng 15,3% về giá so với 3 tháng đầu năm 2021.
Sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu hầu hết sang thị trường Trung Quốc chiếm 93% trong tổng lượng và kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt 886.031 tấn, tương đương 382,29 triệu USD, giảm 6,7% về lượng nhưng tăng 9,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021, giá xuất khẩu sang thị trường này tăng 17,5%, đạt trung bình 431,5 USD/tấn.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, còn lại các thị trường như Hàn Quốc, Đông Nam Á, Đài Loan, Nhật Bản.
Theo dự báo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2022, Trung Quốc sẽ có nhu cầu nhập khẩu sắn lớn hơn nữa và sẽ nhập khẩu nhiều hơn sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam do điều kiện địa lý thuận lợi. Tuy nhiên, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc sắp tới sẽ gặp nhiều khó khăn vì hàng loạt quy định, tiêu chuẩn mới được Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành và áp dụng từ đầu năm 2022.
Dù là ngành hàng xuất khẩu thu về cả tỷ USD mỗi năm, song ngành sắn cũng còn không ít hạn chế, tồn tại gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững.
Sắn và các sản phẩm từ sắn của nước ta phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc, điều này dẫn đến sự thiếu bền vững và bị động. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam có nhiều khâu trung gian, chi phí logistics của Việt Nam cao nên tính cạnh tranh quốc gia thấp; hiện phải canh tranh gay gắt về thị trường xuất khẩu từ các nước Thái Lan, Campuchia, Lào. Ngoài ra, tiêu thụ sắn và sản phẩm sắn trong nước chỉ chiếm khoảng 30% tổng sản lượng sắn dùng chế biến thức ăn chăn nuôi, làm thức ăn cho gia súc, nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp, sản xuất cồn rượu, bột ngọt, mỳ ăn liền, đường lỏng, tinh bột biến tính, bánh kẹo. Trong khi đó, Việt Nam lại phải nhập khẩu khá nhiều nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu dung trong công nghiệp chế biến thực phẩm.
Theo Cục Trồng trọt – Bộ NN&PTNT, năm 2021 diện tích sắn cả nước đạt 528.000 ha, tập trung chủ yếu tại 5 vùng chính gồm: Trung du miền núi phía Bắc, vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Tổng sản lượng sắn cả nước ước đạt gần 10,7 triệu tấn với năng suất bình quân 20,3 tấn/ha. Đến nay, có 27 tỉnh, thành phố có nhà máy chế biến tinh bột sắn và có khoảng 120 nhà máy chế biến tinh bột sắn quy mô công nghiệp, tổng công suất thiết kế 11,3 triệu tấn củ tươi/năm, tổng công suất thực tế 8,62 triệu tấn/năm.
Xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn 3 tháng đầu năm 2022
(Tính toán từ số liệu công bố ngày 12/4/2022 của TCHQ)

THỊ TRƯỜNG NHẬP KHẨU
Sản phẩm chăn nuôi:
Ước giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi tháng 3 năm 2022 đạt 258 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi 3 tháng đầu năm 2022 đạt 726,3 triệu USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, giá trị nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa ước đạt 337,7 triệu USD, tăng 18,2%; giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 312,7 triệu USD, giảm 7,6%.
Thức ăn gia súc và nguyên liệu:
Quý I/2022 nhập khẩu nhóm hàng thức ăn chăn nuôi đạt trên 1,04 tỷ USD, giảm 14% so với quý I/2021.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu nhóm hàng thức ăn chăn nuôi về Việt Nam tháng 3/2022 tăng mạnh 49,6% so với tháng 2/2022, đạt 412,82 triệu USD, nhưng so với tháng 3/2021 thì giảm 21,7%.
Tính chung cả quý I/2022 nhập khẩu nhóm hàng này đạt trên 1,04 tỷ USD, giảm 14% so với quý I/2021.
Achentina luôn là thị trường hàng đầu cung cấp thức ăn chăn nuôi cho Việt Nam, chiếm 25,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt gần 264,29 triệu USD, giảm mạnh 31,9% so với quý I/2021; trong đó riêng tháng 3/2022 đạt 97,4 triệu USD, tăng 29,6% so với tháng 2/2022 nhưng giảm mạnh 51,9% so với tháng 3/2021.
Tiếp sau đó là thị trường Brazil chiếm tỷ trọng 20,2%, đạt trên 210,29 triệu USD, tăng mạnh 637,9%; riêng tháng 3/2022 nhập khẩu từ thị trường này đạt 90,34 triệu USD, tăng 99% so với tháng 2/2022 và tăng mạnh 418,8% so với tháng 3/2021.
Tiếp đến thị trường Mỹ trong tháng 3/2022 tăng mạnh 54,8% so với tháng 2/2022 nhưng giảm mạnh 36% so với tháng 3/2021, đạt 62,16 triệu USD; cộng chung cả quý I/2022 nhập khẩu từ thị trường này giảm mạnh 46,8% so với quý I/2021; đạt 146,4 triệu USD, chiếm trên 14% trong tổng kim ngạch.
Bên cạnh đó, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi từ EU quý I/2022 giảm 16,6% so với quý I/2021, đạt 92,03 triệu USD; Nhập từ thị trường Đông Nam Á tăng 8%, đạt 91,28 triệu USD.
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu thức ăn chăn nuôi sang các thị trường trong tháng 3/2022 đạt 110,95 triệu USD, tăng 42,3% so với tháng 2/2022; tính chung cả quý I/2022 xuất khẩu đạt 272,55 triệu USD, tăng 35,5% so với quý I/2021. Như vậy Việt Nam nhập siêu nhóm hàng thức ăn chăn nuôi 767,98 triệu USD, giảm 23,9% so với quý I/2021.
Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi quý I/2022
(Theo số liệu công bố ngày 12/4/2022 của TCHQ). ĐVT: USD


Đậu tương:
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu đậu tương trong tháng 3/2022 đạt 152.200 tấn, tương đương 104,63 triệu USD, giá trung bình 687,4 USD/tấn, giảm 19% về lượng và giảm 11% kim ngạch; nhưng giá tăng 9,8% so với tháng 2/2022; so với cùng tháng năm 2021 thì giảm 9,5% về lượng, nhưng tăng 11% về kim ngạch và tăng 22,7% về giá.
Tính chung 3 tháng đầu năm 2022 cả nước nhập khẩu 524.408 tấn đậu tương, trị giá 334,34 triệu USD, giá trung bình 637,6 USD/tấn, giảm 0,7% về lượng nhưng tăng 17% kim ngạch và tăng 17,9% về giá so với cùng kỳ năm 2021.
Đậu tương nhập khẩu về Việt Nam từ thị trường Brazil nhiều nhất, trong tháng 3/2022 tiếp tục giảm mạnh 48,4% về lượng và giảm 41,8% về kim ngạch, nhưng giá tăng 12,6% so với tháng 2/2022, đạt 70.677 tấn, tương đương 49,62 triệu USD, giá 702 USD/tấn; Tính chung, 3 tháng đầu năm nhập khẩu từ thị trường này đạt 280.509 tấn, tương đương 179,81 triệu USD, chiếm gần 54% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước.
Ngược lại, nhập khẩu đậu tương từ thị trường Mỹ – thị trường lớn thứ 2 trong tháng 3/2022 tăng mạnh trở lại, tăng 90,3% về lượng và tăng 106,7% kim ngạch so với tháng 2/2022 và giá tăng 8,6%, đạt 74.379 tấn, tương đương 49,8 triệu USD, giá trung bình 669,6 USD/tấn. Tính chung cả 3 tháng đầu năm, nhập khẩu từ thị trường này đạt 207.078 tấn, tương đương 129,89 triệu USD, giá 627,3 USD/tấn, chiếm 39,5% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước, giảm 58,4% về lượng, giảm 51,6% % về kim ngạch nhưng giá tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, nhập khẩu đậu tương từ thị trường Canada 3 tháng đầu năm đạt 32.010 tấn, tương đương 21,17 triệu USD, giá 661,4 USD/tấn, tăng 3,9% về lượng, tăng 60,3% về kim ngạch và giá tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu từ thị trường Campuchia đạt 4.478 tấn, tương đương 3,28 triệu USD, giá 731,7 USD/tấn, tăng cả về lượng, kim ngạch và giá, với mức tăng tương ứng 459,8%, 542,4% và 17,8%.
Nhập khẩu đậu tương 3 tháng đầu năm 2022
(Tính toán theo số liệu công bố ngày 12/4/2022 của TCHQ)

Lúa mì:
Quý I/2022 lượng lúa mì nhập khẩu của cả nước đạt trên 1,06 triệu tấn, tương đương trên 384,19 triệu USD.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 3/2022 cả nước nhập khẩu 480.827 tấn lúa mì, tương đương 176,18 triệu USD, giá trung bình 366,4 USD/tấn, tăng mạnh 94,3% về lượng, tăng 86,6% về kim ngạch nhưng giảm 4% về giá so với tháng 2/2022. So với tháng 3/2021 thì tăng cả về lượng, kim ngạch và giá, với mức tăng tương ứng 1,2%, 32% và 30,6%.
Trong tháng 3/2022 nhập khẩu lúa mì từ thị trường chủ đạo Australia tăng mạnh 230% về lượng và tăng 242,5% về kim ngạch so với tháng 2/2022, đạt 366.073 tấn, tương đương 135,68 triệu USD; so với tháng 3/2021 thì giảm nhẹ 0,09% về lượng, nhưng tăng 30% kim ngạch. Nhập khẩu lúa mì từ thị trường Brazil cũng tăng mạnh 220% về lượng và tăng 223% kim ngạch, đạt 92.716 tấn, tương đương 32,47 triệu USD; nhưng so với tháng 3/2021 cũng tăng 54% về lượng, tăng 110,5% kim ngạch.
Tính chung cả quý I/2022 lượng lúa mì nhập khẩu của cả nước đạt trên 1,06 triệu tấn, tương đương trên 384,19 triệu USD, giảm 12% về khối lượng, nhưng tăng 19,6% về kim ngạch so với quý I/2021, giá trung bình đạt 363,3 USD/tấn, tăng 36%. Việt Nam nhập khẩu lúa mì phần lớn từ thị trường Australia, chiếm % trong tổng lượng và tổng kim ngạch lúa mì nhập khẩu của cả nước, đạt 696.995 tấn, tương đương 254,56 triệu USD, giá trung bình 365,2 USD/tấn, giảm 17,7% về lượng, nhưng tăng 10,4% về kim ngạch và tăng 34% về giá so với quý I/2021.
Tiếp sau đó là thị trường Brazil chiếm trên 18,2% trong tổng lượng và chiếm 16,9% trong tổng kim ngạch, đạt 192.044 tấn, tương đương 65,04 triệu USD, giá trung bình 338,7 USD/tấn, giảm 12,8% về lượng, nhưng tăng 24,2% về kim ngạch và tăng 42,3% về giá so với quý I/2021.
Thị trường Mỹ đứng thứ 3 đạt 77.569 tấn, tương đương 34,86 triệu USD, giá 449 USD/tấn, tăng mạnh 84,8% về lượng và tăng 187,6% kim ngạch và tăng 55,7% về giá so với cùng kỳ, chiếm 7,3% trong tổng lượng và chiếm 9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu lúa mì của cả nước.
Nhìn chung, trong quý I/2022 kim ngạch nhập khẩu lúa mì từ đa số các thị trường tăng mạnh so với quý I/2021.
Nhập khẩu lúa mì quý I/2022
(Tính toán theo số liệu công bố ngày 12/4/2022 của TCHQ)

Ngô:
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu ngô các loại trong tháng 3/2022 đạt 515.815 tấn ngô, tương đương 173,35 triệu USD, giá trung bình 336 USD/tấn, tăng 1,7 % về lượng, tăng 5,8% kim ngạch và giá tăng 4% so với tháng 2/2022; so với cùng tháng năm 2021 thì giảm mạnh 50,9% về lượng, giảm 40,2% về kim ngạch nhưng tăng 21,8% về giá.
Tính chung quý I/2022 nhập khẩu ngô đạt gần 2,09 triệu tấn, trị giá 677,53 triệu USD, giá trung bình 324,6 USD/tấn, giảm 23,8% về lượng, nhưng tăng 0,9% kim ngạch và tăng 32,4% về giá so với cùng kỳ năm 2021.
Ngô nhập khẩu về Việt Nam nhiều nhất từ thị trường Achentina, trong tháng 3/2022 sụt giảm mạnh 33,9% về lượng và giảm 28,7% về kim ngạch, nhưng giá tăng 7,8% so với tháng 2/2022, đạt 148.834 tấn, tương đương 52,69 triệu USD, giá 354 USD/tấn; so với tháng 3/2021 cũng giảm mạnh 54% về lượng, giảm 41,5% về kim ngạch nhưng giá tăng 27%. Tính chung, quý I/2022 nhập khẩu từ thị trường này tăng mạnh cả về lượng, kim ngạch và giá, với mức tăng tương ứng 75,5%, 120,4% và 25,5%, đạt 968.034 tấn, tương đương 319,03 triệu USD, chiếm 46,4% trong tổng lượng và chiếm 47% trong tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước.
Nhập khẩu ngô từ thị trường Ấn Độ trong tháng 3/2022 tăng mạnh trên 39% cả về lượng và kim ngạch so với tháng 2/2022, nhưng giá giảm nhẹ 0,2%, đạt 145.019 tấn, tương đương 44,7 triệu USD, giá trung bình 308,2 USD/tấn. Tính chung cả quý I/2022, nhập khẩu từ thị trường này đạt 505.592 tấn, tương đương 155,85 triệu USD, giá 308,3 USD/tấn, chiếm 24,2% trong tổng lượng và chiếm 23% trong tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước, tăng 16,2% về lượng, tăng 34,5% về kim ngạch và giá tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước.
Nhập khẩu ngô từ thị trường Brazil quý I/2022 đạt 309.112 tấn, tương đương 99,06 triệu USD, giá 320,5 USD/tấn, chiếm gần 15% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước, giảm 76,3% về lượng, giảm 65,2% về kim ngạch nhưng giá tăng 46,9% so với cùng kỳ năm trước.
Nhập khẩu ngô quý I/2022
(Tính toán theo số liệu công bố ngày 12/4/2022 của TCHQ)

Nguồn tin: http://channuoivietnam.com