TÌNH HÌNH CHUNG
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tháng 8 nhìn chung diễn ra trong điều kiện thuận lợi. Chăn nuôi lợn khả quan do giá thức ăn chăn nuôi đã hạ nhiệt. Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát. Ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 8 tăng khoảng 3,3% so với cùng thời điểm năm 2022; tổng số gia cầm tăng khoảng 2,3%.
Trong tháng, tình hình chăn nuôi trâu, bò cả nước phát triển tương đối ổn định, dịch bệnh được kiểm soát. Chăn nuôi lợn khả quan do giá thức ăn chăn nuôi đã hạ nhiệt, đây là động lực để các cơ sở chăn nuôi đẩy mạnh tái đàn, đáp ứng nhu cầu hiện tại và chuẩn bị cho nguồn cung các dịp lễ, Tết sắp tới.
+ Chăn nuôi trâu, bò:
Tình hình đàn trâu, bò cả nước trong tháng phát triển tương đối ổn định. Dịch Viêm da nổi cục đã được kiểm soát tốt nhưng vẫn xảy ra rải rác tại một số địa phương. Theo Tổng cục Thống kê (TCTK) ước tính tổng số trâu của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 8 năm 2023 giảm khoảng 1,9%; tổng số bò tăng khoảng 0,5% so với cùng thời điểm năm 2022.
+ Chăn nuôi lợn:
Hiện nay giá thức ăn chăn nuôi đã hạ nhiệt, lợi nhuận của các cơ sở chăn nuôi những tháng cuối năm có thể được cải thiện. Tuy nhiên, trong tháng 8, dịch tả lợn châu Phi có xu hướng quay trở lại tại một số địa phương khiến tình hình chăn nuôi trở nên khó khăn, làm giá bán lợn hơi giảm. Theo TCTK ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 8 năm 2023 tăng khoảng 3,3% so với cùng thời điểm năm 2022.
+ Chăn nuôi gia cầm:
Tổng đàn gia cầm vẫn ở mức ổn định, đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Hiện nay, một số trang trại nuôi gà thịt đã kết nối được các doanh nghiệp tiêu thụ, tạo thành chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn, góp phần thúc đẩy hoạt động chăn nuôi phát triển. Ước tính tổng số gia cầm của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 8 năm 2023 tăng khoảng 2,3% so với cùng thời điểm năm 2022.
Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi trong tháng 8 ước đạt 50 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 8 tháng năm 2023 đạt 325 triệu USD, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 91 triệu USD, tăng 24,2%; xuất khẩu thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 93 triệu USD, tăng 33,6%.
Giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi trong tháng 8 ước đạt 311 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi 8 tháng năm 2023 đạt 2,3 tỷ USD, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa ước đạt 810 triệu USD, giảm 11,3%; giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 887 triệu USD, giảm 3,3%.
+ Thú y
Theo báo cáo của Cục Thú y, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trên cả nước tính đến ngày 24/8 cụ thể như sau:
– Dịch Cúm gia cầm (CGC): Trong tháng 8/2023, có báo cáo phát sinh 01 ổ dịch tại tỉnh Tiền Giang. Từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 15 ổ dịch CGC A/H5N1 tại 09 tỉnh, thành phố: Cao Bằng, Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Tiền Giang, Sóc Trăng; số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 29.212 con. So với cùng kỳ năm 2022, số ổ dịch giảm 54,54%, số gia cầm phải tiêu hủy tại các ổ dịch giảm 61,08%. Hiện nay, cả nước có 01 ổ dịch CGC A/H5N1 tại tỉnh Tiền Giang chưa qua 21 ngày.
– Dịch Lở mồm long móng (LMLM): Trong tháng 8, cả nước không có báo cáo phát sinh ổ dịch LMLM. Từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 19 ổ dịch tại 09 tỉnh; số gia súc mắc bệnh là 618 con, số gia súc tiêu hủy là 21 con. Hiện nay, cả nước không có dịch bệnh LMLM.
– Dịch Tai xanh: Trong tháng 8, cả nước không có báo cáo phát sinh ổ dịch Tai xanh. Từ đầu năm đến nay, cả nước phát sinh 03 ổ dịch tại tỉnh Cao bằng; số lợn mắc bệnh là 95 con, số lợn chết và tiêu hủy là 75 con. Hiện nay, cả nước không có dịch bệnh Tai Xanh.
– Dịch Tả lợn châu Phi: Trong tháng 8, cả nước phát sinh 33 ổ dịch tại 15 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn bị tiêu hủy là 1.288 con. Từ đầu năm đến nay, cả nước phát sinh 264 ổ dịch tại 38 tỉnh, thành phố; tổng số lợn bị tiêu hủy là 10.468 con. So với cùng kỳ năm 2022, số ổ dịch giảm 74,41%; số lợn phải tiêu hủy tại các ổ dịch giảm 79,13%. Hiện nay, cả nước có 50 ổ dịch thuộc 30 huyện của 15 tỉnh chưa qua 21 ngày.
– Bệnh viêm da nổi cục: Trong tháng 8, cả nước phát sinh 08 ổ dịch tại các tỉnh Đắk Lắk, Thái Nguyên và Tiền Giang. Từ đầu năm đến nay, cả nước phát sinh 80 ổ dịch tại 11 tỉnh; số gia súc mắc bệnh là 382 con, số gia súc tiêu hủy là 84 con. Hiện nay, cả nước có 13 ổ dịch tại các tỉnh Đắk Lắk, Thái Nguyên và Tiền Giang chưa qua 21 ngày.
THỊ TRƯỜNG CHĂN NUÔI

Trên thị trường thế giới, giá lợn nạc giao tháng 10/2023 ở Chicago, Mỹ biến động giảm với mức giảm 7,45 UScent/lb xuống mức 78,55 UScent/lb. Giá thịt lợn giảm do nguồn cung tăng.
Tại thị trường trong nước, trong tháng 8, giá lợn hơi trên cả nước biến động giảm. Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi giảm 2.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 59.000 – 60.000 đồng/kg. Trong đó, các địa phương cùng giảm về mức 60.000 đồng/kg. Riêng hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai giao dịch ở mức 59.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi trên thị trường khu vực miền Trung, Tây Nguyên giảm 1.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 57.000 – 60.000 đồng/kg. Cụ thể, 58.000 đồng/kg là mức giao dịch được ghi nhận tại các địa phương bao gồm Quảng Bình, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Tỉnh Thanh Hóa thu mua lợn hơi với giá 60.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại giao dịch trong khoảng 57.000 – 59.000 đồng/kg.
Tại miền Nam, giá lợn hơi giảm 1.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 57.000 – 59.000 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Sóc Trăng ở mức 58.000 đồng/kg. Giá lợn hơi được ghi nhận tại Cà Mau là 59.000 đồng/kg – ngang với tỉnh Đồng Nai. Giá lợn hơi tại các địa phương khác là 57.000 đồng/kg.
Giá thu mua gà tại trại biến động trái chiều tại các vùng miền trong tháng 8/2023. Giá gà thịt lông màu ngắn ngày miền Bắc tăng 1.000 – 2.000 đồng/kg lên mức 52.000 – 53.000 đồng/kg. Giá gà thịt lông màu ngắn ngày miền Trung tăng 2.000 đồng/kg lên mức 53.000 – 55.000 đồng/kg. Giá gà thịt lông màu ngắn ngày miền Nam giảm 4.000 đồng/kg xuống mức 48.000 – 49.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp ba miền giảm 4.000 đồng/kg xuống 31.000 đồng/kg.
Giá trứng gà ở miền Bắc đã tăng 650 đồng/quả, lên mức 2.500 – 2.600 đồng/quả. Giá trứng gà ở miền Trung tăng 700 đồng/quả, lên mức 2.500 – 2.600 đồng/quả. Giá trứng gà ở Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ tăng 200 – 350 đồng/quả lên 2.300 – 2.400 đồng/quả
Xem chi tiết tại: http://channuoivietnam.com/bieu-2/
Biểu đồ. Diễn biến giá lợn, gà và vịt hơi (giá tại trại) tại các tỉnh phía Nam
THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU
+ Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi: Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi trong tháng 8 ước đạt 50 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 8 tháng năm 2023 đạt 325 triệu USD, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 91 triệu USD, tăng 24,2%; xuất khẩu thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 93 triệu USD, tăng 33,6%.
+ Xuất khẩu thức ăn chăn nuôi:
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thức ăn gia súc của cả nước trong 8 tháng năm 2023 đạt 792,4 triệu USD, tăng 0,3% so với 8 tháng năm 2022.
Riêng tháng 8/2023 đạt 139,6 triệu USD, tăng 7,7% so với tháng 7/2023 và tăng 38,4% so với tháng 8/2022.
Xuất khẩu thức ăn gia súc sang thị trường Trung Quốc – thị trường lớn nhất, tháng 8/2023 tăng 8% so với tháng 7/2023 và tăng 123% so với tháng 8/2022, đạt 77,35 triệu USD, tính chung kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này 8 tháng năm 2023 đạt 389,84 triệu USD, tăng 25,2% so với 8 tháng năm 2022, chiếm 49,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Xuất khẩu thức ăn gia súc sang thị trường Campuchia – thị trường lớn thứ 2 trong 8 tháng năm 2023 tăng 5,4% so với cùng kỳ, đạt 117,04 triệu USD, chiếm 14,8% trong tổng kim ngạch; riêng tháng 8/2023 giảm 13,5% so với tháng 7/2023 nhưng tăng 9,8% so với tháng 8/2022, đạt 15,43 triệu USD.
Thị trường Malaysia xếp thứ 3 về kim ngạch, đạt 74,82 triệu USD, tăng 32,7% so với cùng kỳ; riêng trong tháng 8/2023 tăng 14,5% so với tháng 7/2023 và tăng 39,9% so với tháng 8/2022, đạt 12,36 triệu USD.
Xuất khẩu thức ăn gia súc sang thị trường FTA-RCEP trong 8 tháng năm 2023 tăng 12,3% so với cùng kỳ, đạt 660,4 triệu USD, chiếm 83,4% trong tổng kim ngạch. Xuất khẩu sang thị trường CPTTP tăng 6,7% so với cùng kỳ, đạt 91,3 triệu USD, chiếm 11,5% trong tổng kim ngạch. Xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á tăng nhẹ 1,9% so với cùng kỳ, đạt 237,45 triệu USD, chiếm 30%.
Xuất khẩu thức ăn gia súc 8 tháng năm 2023
(Tính toán từ số liệu công bố ngày 11/9/2023 của TCHQ). ĐVT: USD

THỊ TRƯỜNG NHẬP KHẨU
+ Nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi:
Giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi trong tháng 8 ước đạt 311 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi 8 tháng năm 2023 đạt 2,3 tỷ USD, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa ước đạt 810 triệu USD, giảm 11,3%; giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 887 triệu USD, giảm 3,3%.
+ Thức ăn gia súc và nguyên liệu:
Trong 8 tháng năm 2023 nhập khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt trên 3,4 tỷ USD, giảm 6,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu về Việt Nam tháng 8/2023 tăng 6,4% so với tháng 7/2023 nhưng giảm4,3% so với tháng 8/2022, đạt 548,79 triệu USD.
Tính chung trong 8 tháng năm 2023 nhập khẩu nhóm hàng này đạt trên 3,4 tỷ USD, giảm 6,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu nhiều nhất từ thị trường Achentina, chiếm 28,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt trên 981,21 triệu USD, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó riêng tháng 8/2023 đạt 234,87 triệu USD, tăng mạnh 52,3% so với tháng 7/2023và tăng28,7% so với tháng 8/2022.
Đứng thứ 2 là thị trường Brazil chiếm tỷ trọng 16,5%, đạt gần560,35 triệu USD, giảm 26,9% so với cùng kỳ; riêng tháng 8/2023 nhập khẩu từ thị trường này đạt 88,91 triệu USD, giảm mạnh 40,2% so với tháng 7/2023 và giảm32,3% so với tháng 8/2022.
Tiếp đến thị trường Mỹ trong tháng 8/2023 nhập khẩu giảm19,9% so với tháng 7/2023 và giảm 14,6% so với tháng 8/2022, đạt 59,43 triệu USD; cộng chung cả 8 tháng năm 2023 nhập khẩu từ thị trường này tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022; đạt 477,29 triệu USD, chiếm 14% trong tổng kim ngạch.
Nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu từ thị trường EU trong 8 tháng năm 2023 giảm 34,2% so với 8 tháng đầu năm 2022, đạt 207,51 triệu USD; Nhập từ thị trường Đông Nam Á giảm 18,5%, đạt 205,11 triệu USD.
Nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu 8 tháng năm 2023
(Theo số liệu công bố ngày 11/9/2023 của TCHQ). ĐVT: USD


+ Nhập khẩu đậu tương:
8 tháng năm 2023 cả nước nhập khẩu gần 1,37 triệu tấn đậu tương, trị giá gần 876,75 triệu USD, giá trung bình 637,8 USD/tấn.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu đậu tương trong tháng 8/2023 đạt 166.091 tấn, tương đương 96,65 triệu USD, giá trung bình 581,9 USD/tấn, tăng 83,8% về lượng và tăng 86% kim ngạch so với tháng 7/2023, giá tăng 1,2%; so với tháng 8/2022 cũng tăng mạnh 207% về lượng và tăng 138% về kim ngạch, nhưng giá giảm 22,6%.
Tính chung 8 tháng năm 2023 cả nước nhập khẩu gần 1,37 triệu tấn đậu tương, trị giá gần 876,75 triệu USD, giá trung bình 637,8 USD/tấn, tăng 7,1% về lượng, nhưng giảm 2% kim ngạch và giảm 8,5% về giá so với 8 tháng năm 2022.
Đậu tương nhập khẩu về Việt Nam từ thị trường Brazil nhiều nhất, trong tháng 8/2023 tăng mạnh 101,4% về lượng và tăng 108,5% kim ngạch so với tháng 7/2023, giá tăng nhẹ 3,5%, đạt 142.958 tấn, tương đương 81,03 triệu USD, giá 566,8 USD/tấn; Tính chung, 8 tháng năm 2023 nhập khẩu đậu tương từ thị trường này đạt 735.484 tấn, tương đương 439,25 triệu USD, chiếm 53,5% trong tổng lượng và chiếm 50% trong tổng kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước, giảm 8,1% về lượng, giảm 22,2% về kim ngạch, giá giảm 15,3% so với cùng kỳ năm trước.
Nhập khẩu đậu tương từ thị trường Mỹ – thị trường lớn thứ 2 trong 8 tháng năm 2023 đạt 498.347 tấn, tương đương 340,73 triệu USD, giá 683,7 USD/tấn, chiếm 36,3% trong tổng lượng và chiếm 38,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước, tăng 22,9% về lượng, tăng 24,6% về kim ngạch và giá tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, nhập khẩu đậu tương từ thị trường Canada 8 tháng năm 2023 đạt 75.088 tấn, tương đương trên 55,8 triệu USD, giá 743 USD/tấn, tăng 7,8% về lượng, tăng 10% về kim ngạch và giá tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu từ thị trường Campuchia đạt 375 tấn, tương đương 292.550 USD, giá 780 USD/tấn, giảm mạnh 94% cả về lượng và kim ngạch nhưng tăng 3,5% về giá.
Nhập khẩu đậu tương 8 tháng năm 2023
(Tính toán theo số liệu công bố ngày 11/9/2023 của TCHQ)

+ Nhập khẩu lúa mì:
8 tháng năm 2023 lượng lúa mì nhập khẩu của cả nước đạt gần 3,15 triệu tấn, tương đương gần 1,11 tỷ USD, tăng 9,2% về khối lượng, tăng 1,5% về kim ngạch so với 8 tháng năm 2022.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2023 cả nước nhập khẩu 360.625 tấn lúa mì, tương đương 114,95 triệu USD, giá trung bình 318,8 USD/tấn, tăng 8% về lượng và tăng 3,5% kim ngạch so với tháng 7/2023 nhưng giá giảm 4,2%. So với tháng 8/2022 cũng tăng 23,7% về lượng, nhưng giảm 1,2% kim ngạch và giảm 20,2% giá.
Tính chung trong 8 tháng năm 2023 lượng lúa mì nhập khẩu của cả nước đạt gần 3,15 triệu tấn, tương đương gần 1,11 tỷ USD, tăng 9,2% về khối lượng, tăng 1,5% về kim ngạch so với 8 tháng năm 2022, giá trung bình đạt 352,3 USD/tấn, giảm 7%.
Trong tháng 8/2023 nhập khẩu lúa mì từ thị trường chủ đạo Australia sụt giảm 52% về lượng và giảm 54,3% kim ngạch so với tháng 7/2023 , giá cũng giảm 4,7%, đạt 157.831 tấn, tương đương 49,84 triệu USD, giá 315,8 USD/tấn; so với tháng 8/2022 cũng giảm 45,3% về lượng, giảm 56,7% kim ngạch và giảm 20,8% về giá. Tính chung cả 8 tháng năm 2023, nhập khẩu lúa mì từ thị trường Australia chiếm 72,6% trong tổng lượng và chiếm 71% trong tổng kim ngạch nhập khẩu lúa mì của cả nước, đạt gần 2,28 triệu tấn, tương đương 786,88 triệu USD, giá trung bình 344,7 USD/tấn, tăng 8,8% về lượng, nhưng giảm 1,9% về kim ngạch và giảm 9,8% về giá so với 8 tháng năm 2022.
Đứng sau thị trường chủ đạo Australia là thị trường Mỹ chiếm 8,2% trong tổng lượng và chiếm 9,2% trong tổng kim ngạch, đạt 259.291 tấn, tương đương 102,24 triệu USD, giá trung bình 394,3 USD/tấn, tăng 100,6% về lượng, tăng 73,3% kim ngạch nhưng giảm 13,6% về giá so với 8 tháng năm 2022.
Tiếp đến thị trường Brazil đạt 261.611 tấn, tương đương 95,82 triệu USD, giá 366,3 USD/tấn, giảm 19% về lượng, giảm 14,9% kim ngạch nhưng tăng 5% về giá so với 8 tháng năm 2022, chiếm trên 8% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu lúa mì của cả nước.
Nhập khẩu lúa mì từ thị trường Canada đạt 166.961 tấn, tương đương 69,3 triệu USD, tăng mạnh 2.751% về khối lượng và tăng 2.357% về kim ngạch so với 8 tháng năm 2022.
Nhập khẩu lúa mì 8 tháng năm 2023
(Tính toán theo số liệu công bố ngày 11/9/2023 của TCHQ)

+ Nhập khẩu ngô:
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu ngô các loại trong 8 tháng năm 2023 đạt trên 5,35 triệu tấn, trị giá trên 1,71 tỷ USD, giá trung bình 320,2 USD/tấn, giảm 8,6% về lượng, giảm 18% kim ngạch và giảm 10,3% về giá so với 8 tháng năm 2022.
Trong đó, riêng tháng 8/2023 đạt 1,08 triệu tấn, tương đương 310,29 triệu USD, giá trung bình 288,6 USD/tấn, tăng 80% về lượng và tăng 75,4% kim ngạch so với tháng 7/2023, nhưng giá giảm 2,5%; so với tháng 8/2022 cũng tăng mạnh 50,7% về lượng, tăng 19,9% về kim ngạch nhưng giảm 20,5% về giá.
Achentina là thị trường lớn nhất cung cấp ngô cho Việt Nam trong 8 tháng năm 2023, chiếm trên 36% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước, đạt 1,96 triệu tấn, tương đương trên 619,69 triệu USD, giá 316,4 USD/tấn, giảm mạnh 45,7% về lượng, giảm 52,6% kim ngạch và giảm 12,6% về giá so với 8 tháng năm 2022.
Thị trường lớn thứ 2 là Brazil, trong 8 tháng năm 2023 đạt 1,72 triệu tấn, tương đương 559,46 triệu USD, giá 325,3 USD/tấn, chiếm trên 32% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước, tăng mạnh 281% về lượng, tăng 272% về kim ngạch nhưng giá giảm nhẹ 2,4% so với 8 tháng năm 2022.
Tiếp đến thị trường Ấn Độ 8 tháng năm 2023 đạt 1,18 triệu tấn, tương đương 364,97 triệu USD, giá 309,7 USD/tấn, chiếm 22% trong tổng lượng và chiếm 21,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước, tăng 74% về lượng, tăng 63,2% về kim ngạch, nhưng giá giảm 6,2% so với cùng kỳ năm trước.
Nhập khẩu ngô 8 tháng năm 2023
(Tính toán theo số liệu công bố ngày 11/9/2023 của TCHQ)

Nguồn tin: http://channuoivietnam.com