TÌNH HÌNH CHUNG
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong tháng 9/2022, đàn bò, lợn và gia cầm cả nước phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát. Tuy nhiên, chi phí đầu vào tăng nhưng giá bán sản phẩm đầu ra lại giảm, điều này đã gây áp lực lớn cho người chăn nuôi. Ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 9 năm 2022 tăng khoảng 8,8% so với cùng thời điểm năm 2021; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 9 tháng ước đạt 3232,7 nghìn tấn, tăng 5,8%; tổng số gia cầm của cả nước ước tính đến thời điểm cuối tháng Chín năm 2022 tăng khoảng 3,8%.
Chăn nuôi trâu, bò: Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê (TCTK), tổng số trâu của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 9 năm 2022 (là 2,25 triệu con) giảm 1,1%, tổng số bò (là 6,41 triệu con) tăng 3,4% so với cùng thời điểm năm 2021. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 9 tháng ước đạt 88,2 nghìn tấn, tăng 2,1%; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng 9 tháng ước đạt 348,9 nghìn tấn, tăng 4,2%; sản lượng sữa bò tươi 9 tháng ước đạt 932,1 triệu lít, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Chăn nuôi lợn: Chi phí đầu vào tăng nhưng giá bán sản phẩm đầu ra lại giảm nên đã gây áp lực lớn cho người chăn nuôi. Theo số liệu ước tính của TCTK, tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 9 năm 2022 (là 24,73 triệu con) tăng 8,8% so với cùng thời điểm năm 2021; sản lượng thịt lợn hơi xuấtchuồng 9 tháng ước đạt 3232,7 nghìn tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Chăn nuôi gia cầm: Tổng đàn và sản lượng gia cầm 9 tháng tiếp tục tăng do khu vực hộ và doanh nghiệp đều phát triển ổn định. Theo số liệu ước tính của TCTK, tổng số gia cầm của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 9 năm 2022 (là 531,66 triệu con) tăng 3,8% so với cùng thời điểm năm 2021; sản lượng thịt giacầm hơi xuất chuồng 9 tháng ước đạt 1467,1 nghìn tấn, tăng 4,8%; sản lượng trứng gia cầm 9 tháng ước đạt 13,4 tỷ quả, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Thú y
Theo báo cáo của Cục Thú y, tính đến ngày 23/9 tình hình dịch bệnh trên cả nước cụ thể như sau:
– Dịch Cúm gia cầm (CGC)
Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước phát sinh 33 ổ dịch tại 28 huyện của 18 tỉnh, thành phố, trong đó: 31 ổ dịch CGC A/H5N1, 01 ổ dịch CGC A/H5N6, 01 ổ dịch CGC A/H5N8. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 75.057 con. Trong tháng 9, cả nước không phát sinh ổ dịch CGC. Hiện tại, cả nước không phát sinh ổ dịch CGC
– Dịch Lở mồm long móng (LMLM)
Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước phát sinh 08 ổ dịch tại 06 huyện của 05 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Đồng Nai và Đồng Tháp; số gia súc mắc bệnh là 87 con, số gia súc tiêu hủy là 01 con. Trong tháng 9, cả nước không phát sinh ổ dịch LMLM.
– Dịch Tai xanh
Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước phát sinh 01 ổ dịch Tai xanh tại tỉnh 1 Thái Nguyên. Số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 30 con. Trong tháng 9, cả nước không phát sinh ổ dịch Tai xanh.
– Dịch Tả lợn châu Phi
Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước phát sinh 1.074 ổ dịch tại 50 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 48.501 con lợn. Trong tháng 9, cả nước phát sinh 27 ổ dịch tại 24 huyện của 15 tỉnh. Tổng số lợn bị tiêu hủy là 649 con.
Hiện nay, cả nước có 74 ổ dịch tại 47 huyện của 20 tỉnh chưa qua 21 ngày; tổng lợn mắc bệnh là 3.882 con, tổng lợn chết và tiêu hủy là 3.858 con.
– Bệnh Viêm da nổi cục
Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước phát sinh 235 ổ dịch tại 15 tỉnh, thành phố; số gia súc mắc bệnh là 2.217 con, số gia súc buộc tiêu hủy 438 con trâu, bò.
Trong tháng 9, cả nước không phát sinh ổ dịch VDNC. Hiện nay, cả nước có 05 ổ dịch tại 4 tỉnh Đắk Nông, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Tiền Giang chưa qua 21 ngày (các ổ dịch này phát sinh kéo dài từ tháng 8); số gia súc mắc bệnh là 18 con; tổng gia súc chết và tiêu hủy là 11 con.

THỊ TRƯỜNG CHĂN NUÔI
Trên thị trường thế giới, giá lợn nạc giao tháng 10/2022 ở Chicago, Mỹ biến động tăng trong tháng qua với mức tăng 2,6 UScent/lb lên mức 94,125 UScent/lb. Giá thịt lợn tăng do sức mua khởi sắc.
Tại thị trường trong nước, trong tháng 9/2022, giá lợn hơi biến động giảm tại tất cả các khu vực trên cả nước. Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi điều chỉnh giảm 6.000 – 8.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 59.000 – 62.000 đồng/kg.
Trong đó, tại Thái Nguyên hiện giá thu mua ở mức 59.000 đồng/kg; tại Yên Bái, Lào Cai, Hưng Yên, Nam Định, Phú Thọ, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình và Tuyên Quang giá thu mua ở mức 60.000 – 63.000 đồng/kg; tại Vĩnh Phúc và Bắc Giang giá thu mua lần lượt là 61.000 đồng/kg và 62.000 đồng/kg.
Thị trường lợn hơi khu vực miền Trung, Tây Nguyên cũng giảm 4.000 – 6.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 56.000 – 61.000 đồng/kg. Trong đó, tại Lâm Đồng, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Khánh Hòa giá thu mua giảm xuống còn 58.000 – 61.000 đồng/kg. Tại Bình Định giá thu mua cũng giảm xuống mức 60.000 đồng/kg; tại Đắc Lắc và Bình Thuận giá thu mua ở mức 56.000 đồng/kg.
Thị trường lợn hơi miền Nam ghi nhận giá thu mua biến động giảm 3.000 – 7.000 đồng/kg tại nhiều tỉnh/thành phố, dao động trong khoảng 57.000 – 63.000 đồng/kg. Cụ thể, tại Vũng Tàu giá thu mua ở mức 57.000 đồng/kg. Các tỉnh Đồng Tháp, Bình Dương, Bình Phước cùng có giá thu mua giảm xuống còn 58.000đồng/kg. Tại Long An hiện đang neo giá ở ngưỡng cao nhất khu vực là 63.000 đồng/kg. Nhìn lại 9 tháng qua, giá lợn hơi biến động tăng do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, bệnh dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại ở một số địa phương nên nguồn cung giảm. Bên cạnh đó, các nhà hàng, quán ăn, các khu du lịch hoạt động trở lại nên tiêu thụ thịt lợn cao hơn.
Giá thu mua gà tại trại biến động trái chiều ở các vùng miền trong tháng 9/2022. Giá gà thịt lông màu ngắn ngày miền Bắc, miền Trung và miền Nam tăng 2.000 đồng/kg lên mức 36.000 – 37.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp ở miền Bắc tăng 2.000 đồng/kg lên 35.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp ở miền Trung và miền Nam giảm 5.000 đồng/kg xuống mức 28.000 – 29.000 đồng/kg do nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này tại các nhà hàng, bếp ăn tập thể, trường học… vẫn còn khá yếu. Giá trứng gà miền Bắc, miền Trung giảm 200 đồng/quả xuống mức 2.300 – 2.600 đồng/quả. Giá trứng gà miền Nam giữ mức 2.400 – 2.700 đồng/quả.
Biểu đồ. Diễn biến giá lợn, gà và vịt hơi (giá tại trại) tại các tỉnh phía Nam
Xem chi tiết tại: http://channuoivietnam.com/bieu-2/
THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU
Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi:
Xuất khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu:
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thức ăn gia súc của cả nước trong 9 tháng năm 2022 đạt 852,4 triệu USD, tăng 8,5% so với 9 tháng đầu năm 2021.
Trong đó riêng tháng 9/2022 đạt 71,32 triệu USD, giảm 29,5% so với tháng 8/2022 và giảm 13,2 % so với tháng 9/2021.
Xuất khẩu thức ăn gia súc sang thị trường Trung Quốc – thị ttường lớn nhất, tháng 9/2022 giảm 31 % so với tháng 8/2022 nhưng tăng 12,2% so với tháng 9/2021, đạt 23,92 triệu USD, tính chung kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này 9 tháng năm 2022 đạt 335,41 triệu USD, tăng mạnh 23,8% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 39,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Xuất khẩu thức ăn gia súc sang thị trường Campuchia – thị trường lớn thứ 2 tăng 5,6% so với cùng kỳ, đạt 122,71 triệu USD, chiếm 14,4% trong tổng kim ngạch; riêng tháng 9/2022 giảm 18,6% so với tháng 8/2022 và giảm 15,7% so với tháng 9/2021, đạt 11,64 triệu USD.
Thị trường Mỹ xếp thứ 3 về kim ngạch, đạt 114,52 triệu USD, tăng 60,8% so với cùng kỳ; riêng trong tháng 9/2022 xuất khẩu thức ăn gia súc sang thị trường này giảm mạnh 52,7% so với tháng 8/2022 nhưng tăng mạnh 268% so với tháng 9/2021, đạt 8,17 triệu USD.
Xuất khẩu thức ăn gia súc 9 tháng năm 2022
(Tính toán từ số liệu công bố ngày 11/10/2022 của TCHQ). ĐVT: USD

THỊ TRƯỜNG NHẬP KHẨU
Sản phẩm chăn nuôi:
Thức ăn gia súc và nguyên liệu:
Trong 9 tháng năm 2022 nhập khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt gần 4,07 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu về Việt Nam tháng 9/2022 giảm 28,2% so với tháng 8/2022 và giảm 0,2% so với tháng 9/2021, đạt 411,55 triệu USD.
Tính chung trong 9 tháng năm 2022 nhập khẩu nhóm hàng này đạt gần 4,07 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu nhiều nhất từ thị trường Achentina, chiếm 30,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt trên 1,25 tỷ USD, giảm nhẹ 1,5% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó riêng tháng 9/2022 đạt 161,13 triệu USD, giảm 11,5% so với tháng 8/2022 nhưng tăng 27% so với tháng 9/2021.
Đứng thứ 2 là thị trường Brazil chiếm tỷ trọng 20,4%, đạt trên 831 triệu USD, tăng mạnh 80,4% so với cùng kỳ; riêng tháng 9/2022 nhập khẩu từ thị trường này đạt 64,26 triệu USD, giảm mạnh 51% so với tháng 8/2022 và giảm 7,4% so với tháng 9/2021.
Tiếp đến thị trường Mỹ trong tháng 9/2022 nhập khẩu giảm 24,3% so với tháng 8/2022 và giảm mạnh 40,9% so với tháng 9/2021, đạt 49,1 triệu USD; cộng chung cả 9 tháng đầu năm 2022 nhập khẩu từ thị trường này giảm 20,7% so với cùng kỳ năm 2021; đạt 505,26 triệu USD, chiếm 12,4% trong tổng kim ngạch.
Nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu từ thị trường EU trong 9 tháng đầu năm 2022 tăng 15,6% so với 9 tháng đầu năm 2021, đạt 356,29 triệu USD; Nhập từ thị trường Đông Nam Á tăng 3,4%, đạt 279,01 triệu USD.
Nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu 9 tháng năm 2022
(Theo số liệu công bố ngày 11/10/2022 của TCHQ). ĐVT: USD


Đậu tương:
9 tháng đầu năm 2022 cả nước nhập khẩu 1,4 triệu tấn đậu tương, trị giá gần 974,71 triệu USD, giá trung bình 697,3 USD/tấn.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu đậu tương trong tháng 9/2022 đạt 114.038 tấn, tương đương 80,07 triệu USD, giá trung bình 702,1 USD/tấn, tăng mạnh 110,9% về lượng và tăng 97% kim ngạch so với tháng 8/2022, giá giảm 6,6%; so với tháng 9/2021 thì giảm 20,5% về lượng và giảm 10,2% về kim ngạch nhưng tăng 13% về giá.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2022 cả nước nhập khẩu 1,4 triệu tấn đậu tương, trị giá gần 974,71 triệu USD, giá trung bình 697,3 USD/tấn, giảm 9,1% về lượng nhưng tăng 10% kim ngạch và tăng 21% về giá so với cùng kỳ năm 2021.
Đậu tương nhập khẩu về Việt Nam nhiều nhất từ thị trường Brazil, trong tháng 9/2022 tăng mạnh, tăng 223% về lượng và tăng 193% kim ngạch so với tháng 8/2022 nhưng giá giảm 9,6%, đạt 69.100 tấn, tương đương 45,93 triệu USD, giá 664,7 USD/tấn; Tính chung, 9 tháng năm 2022 nhập khẩu từ thị trường này đạt 869.451 tấn, tương đương 610,14 triệu USD, chiếm 63% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước.
Nhập khẩu đậu tương từ thị trường Mỹ – thị trường lớn thứ 2 trong tháng 9/2022 tiếp tục tăng mạnh 73% cả về lượng và kim ngạch so với tháng 8/2022 nhưng giá giảm nhẹ 0,3%, đạt 38.504 tấn, tương đương 28,73 triệu USD, giá trung bình 746,3 USD/tấn. Tính chung cả 9 tháng năm 2022, nhập khẩu từ thị trường này đạt 444.060 tấn, tương đương 302,29 triệu USD, giá 680,7 USD/tấn, chiếm 31% trong tổng lượng và kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước, giảm mạnh 40,7% về lượng, giảm 28,7% về kim ngạch nhưng giá tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, nhập khẩu đậu tương từ thị trường Canada 9 tháng đầu năm đạt 76.041 tấn, tương đương 56,03 triệu USD, giá 736,9 USD/tấn, tăng 20,7% về lượng, tăng 40% về kim ngạch và giá tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu từ thị trường Campuchia đạt 6.288 tấn, tương đương 4,74 triệu USD, giá 754 USD/tấn, tăng mạnh cả về lượng, kim ngạch và giá, với mức tăng tương ứng 117%, 143,7% và 12,2%.
Nhập khẩu đậu tương 9 tháng đầu năm 2022
(Tính toán theo số liệu công bố ngày 11/10/2022 của TCHQ)

Ngô:
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu ngô các loại trong 9 tháng năm 2022 đạt gần 6,67 triệu tấn, trị giá trên 2,37 tỷ USD, giá trung bình 355,6 USD/tấn, giảm 13% về lượng, nhưng tăng 9,4% kim ngạch và tăng 25,8% về giá so với 9 tháng năm 2021.
Trong đó, riêng tháng 9/2022 đạt 799.835 tấn, tương đương 276,34 triệu USD, giá trung bình 345,5 USD/tấn, tăng 12% về lượng, tăng 6,7% kim ngạch nhưng giá giảm 4,8% so với tháng 8/2022; so với tháng 9/2021 thì tăng 10,9% về lượng, tăng 21,2% về kim ngạch và tăng 12% về giá.
Achentina là thị trường chủ đạo cung cấp ngô cho Việt Nam trong 9 tháng năm 2022, chiếm 65% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước, đạt 4,3 triệu tấn, tương đương trên 1,54 tỷ USD, tăng cả về lượng, kim ngạch và giá so với cùng kỳ năm 2021, với mức tăng tương ứng 7,7%, 28,2% và 19%; riêng tháng 9/2022 đạt 693.527 tấn, tương đương 235,27 triệu USD, giá 339,2 USD/tấn, tăng 68% về lượng, tăng 56,5% kim ngạch so với tháng 8/2022 nhưng giá giảm 6,9%; so với tháng 9/2021 tăng 14,3% về lượng, tăng 26,3% về kim ngạch, giá tăng 10,5%.
Ngoài ra, nhập khẩu ngô từ thị trường Ấn Độ 9 tháng đầu năm 2022 đạt 678.119 tấn, tương đương 223,81 triệu USD, giá 330 USD/tấn, chiếm 10,2% trong tổng lượng và chiếm 9,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước, giảm mạnh 37,9% về lượng, giảm 27% về kim ngạch nhưng giá tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước.
Nhập khẩu ngô từ thị trường Brazil 9 tháng năm 2022 đạt 473.719 tấn, tương đương 158,18 triệu USD, giá 333,9 USD/tấn, chiếm trên trên 7% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước, giảm mạnh 66,9% về lượng, giảm 50,7% về kim ngạch nhưng giá tăng mạnh 48,7% so với 9 tháng năm 2021.
Nhập khẩu ngô 9 tháng năm 2022
(Tính toán theo số liệu công bố ngày 11/10/2022 của TCHQ)

Lúa mì:
9 tháng năm 2022 lượng lúa mì nhập khẩu của cả nước đạt 3,25 triệu tấn, tương đương gần 1,25 tỷ USD.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9/2022 cả nước nhập khẩu 368.212 tấn lúa mì, tương đương 156,29 triệu USD, giá trung bình 424,5 USD/tấn, tăng cả về lượng, kim ngạch và giá so với tháng 8/2022, với mức tăng tương ứng 26,3%, 34,3% và 6,3%. So với tháng 9/2021 thì giảm 30,8% về lượng, giảm 5,6% kim ngạch nhưng tăng 36,5% về giá.
Tính chung cả 9 tháng năm 2022 lượng lúa mì nhập khẩu của cả nước đạt 3,25 triệu tấn, tương đương gần 1,25 tỷ USD, giảm 9,3% về khối lượng, nhưng tăng 21% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021, giá trung bình đạt 384,2 USD/tấn, tăng 33,5%.
Trong tháng 9/2022 nhập khẩu lúa mì từ thị trường chủ đạo Australia tăng nhẹ trở lại, tăng 3% về lượng, tăng 4,3% về kim ngạch và tăng 1,2% về giá so với tháng 8/2022, đạt 297.414 tấn, tương đương 119,96 triệu USD, giá 403,3 USD/tấn; so với tháng 9/2021 thì giảm 6,7% về lượng, nhưng tăng 18% kim ngạch và tăng 26,5% về giá. Tính chung cả 9 tháng, nhập khẩu lúa mì từ thị trường Australia, chiếm 74% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu lúa mì của cả nước, đạt 2,4 triệu tấn, tương đương 922,36 triệu USD, giá trung bình 384,9 USD/tấn, giảm 11,4% về lượng, nhưng tăng 17,5% về kim ngạch và tăng 32,6% về giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tiếp sau đó là thị trường Brazil chiếm 9,9% trong tổng lượng và chiếm 9% trong tổng kim ngạch, đạt 322.760 tấn, tương đương 112,55 triệu USD, giá trung bình 348,7 USD/tấn, tăng mạnh cả về lượng, kim ngạch giá so với cùng kỳ năm 2021, với mức tăng tương ứng 40,6%, 104,6% và 45,5%.
Thị trường Mỹ đứng thứ 3 đạt 199.066 tấn, tương đương 94,81 triệu USD, giá 476,3 USD/tấn, tăng 5,7% về lượng, tăng 60% kim ngạch và tăng 51,2% về giá so với cùng kỳ, chiếm 6% trong tổng lượng và chiếm 7,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu lúa mì của cả nước.
Nhập khẩu lúa mì từ thị trường Ấn Độ chỉ đạt 73.145 tấn, tương đương 27,21triệu USD, nhưng so với cùng kỳ năm 2021 thì tăng rất mạnh 2.439% về khối lượng và tăng 2.930% về kim ngạch.
Nhập khẩu lúa mì 9 tháng năm 2022
(Tính toán theo số liệu công bố ngày 11/10/2022 của TCHQ)

Nguồn tin: http://channuoivietnam.com