Nghiên cứu này nhằm xác định ảnh hưởng của việc bổ sung chế phẩm Probiotic trong khẩu phần lên khả năng sinh trưởng của vịt Xiêm giai đoạn 5-8 tuần tuổi. Vịt Xiêm trong thí nghiệm là cùng giống, cân bằng trống mái, khối lượng đầu vào tương đương và cùng điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng. Thí nghiệm được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên với 4 nghiệm thức và 3 lần lặp lại. Các nghiệm thức là các mức độ bổ sung Probiotic trong khẩu phần ở các mức 0; 0,25; 0,35 và 0,45% probiotic. Kết quả cho thấy rằng khẩu phần bổ sung với mức 0,35% probiotic trong khẩu phần của vịt Xiêm giai đoạn 5-8 tuần tuổi về tăng khối lượng, khối lượng cuối thí nghiệm và hệ số chuyển hóa thức ăn đều cao hơn (P<0,05).
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Vịt Xiêm (Muscovy duck) hay còn gọi là Ngan, có tên khoa học Cairina moschata, có nguồn gốc Trung và Nam Mỹ (Anonymous, 2012). Thịt vịt Xiêm được nhiều người ưa chuộng hơn so với phần lớn thịt từ các giống vịt khác do cơ ức rộng, tỷ lệ nạc cao hơn, ít mỡ (Parkhurst và Mountney, 1988; Adesope và Nodu, 2002), thịt mềm và thơm ngon có giá trị dinh dưỡng cao 19,6-21% CP (protein thô) và 2,47% EE (béo) (Dong, 2005). Trong quá trình chăn nuôi gia cầm nói chung, vịt Xiêm nói riêng kháng sinh đóng vai trò quan trọng không chỉ trong phòng trị bệnh mà còn được sử dụng như chất kích thích sinh trưởng của vật nuôi (Phạm Kim Đăng và ctv, 2016). Tuy nhiên, tình hình lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi đã dẫn đến sự kháng thuốc của các vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc kháng sinh trong thực phẩm đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng (Newman, 2002). Chế phẩm probiotic đang được đánh giá như một giải pháp thay thế hiệu quả và cung cấp một phương thức an toàn bền vững đối với vật nuôi và người tiêu dùng. Thực tế, sử dụng chế phẩm probiotic mang lại rất nhiều lợi ích như hỗ trợ tiêu hóa thức ăn, cân bằng hệ vi sinh đường ruột bằng cách cạnh tranh với vi khuẩn gây bệnh cho vật nuôi (Kabir, 2009), từ đó giảm chi phí trong phòng bệnh, tăng hiệu quả chăn nuôi, đảm bảo chất lượng thịt và sức khỏe người tiêu dùng. Vì thế, chúng tôi tiến hành nghiên cứu “Ảnh hưởng của việc bổ sung chế phẩm Probiotic vào khẩu phần đến năng suất sinh trưởng của vịt Xiêm địa phương”.
2. VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Vật liệu
Ðịa điểm: Thí nghiệm được tiến hành tại trại chăn nuôi thực nghiệm, Trường Đại học Trà Vinh
Thời gian: Từ tháng 06/2018 đến tháng 10/2018.
Ðối tượng: Vịt thí nghiệm được nuôi úm từ 1 ngày tuổi đến 28 ngày tuổi và chủng ngừa kháng thể viêm gan, vacxin dịch tả và H5N1 trước khi đưa vịt vào thí nghiệm. Vịt được bố trí vào thí nghiệm lúc đầu tuần tuổi thứ 5 có khối lượng 715-732 g/con cho giai đoạn 5-8 tuần tuổi.
Chuồng trại: Chuồng trại được xây dựng 2 mái, có độ thông thoáng khí tốt. Vịt Xiêm được nuôi trên nền tráng xi măng có chất độn chuồng bằng trấu, với mỗi lô ngăn bằng lưới kẽm, diện tích mỗi ô chuồng cho một đơn vị thí nghiệm là 4,8m2 để nuôi 10 con vịt.
Thức ăn: Thức ăn sử dụng là thức ăn hỗn hợp tự trộn (dạng bột). Thực liệu được sử dụng phối hợp trong thí nghiệm bao gồm bắp, tấm, cám gạo, bột cá, đậu nành hạt và chế phẩm Probiotic.
Chế phẩm Probiotic: Sản phẩm được cung cấp bởi công ty TNHH Donavet. Thành phần trong 1kg chế phẩm Probiotic gồm Vitamin A (min): 1.000.000UI; Vitamin D3 (min): 100.000UI; Axít Folic (min): 200mg; Lactobacillus acidophilus (min): 20.107 CFU; Bacillus subtilis (min): 20.107CFU; Saccharomyces cerevisiae (min): 20.107 CFU; Bacillus polymyxa (min): 20.107 CFU; Khuyến cáo sử dụng trộn 0,25% vào thức ăn hỗn hợp.
2.2. Bố trí thí nghiệm
Thí nghiệm được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên gồm 4 nghiệm thức (NT) tương ứng với 4 khẩu phần là 4 mức (%) bổ sung chế phẩm Probiotic (NT0; NT0,25; NT0,35 và NT0,45) với cùng mức 18% CP, mỗi nghiệm thức được lặp lại ba lần. Mỗi đơn vị thí nghiệm có 10 con vịt Xiêm có khối lượng tương đương nhau và cân đối về tỷ lệ trống mái.
Công thức khẩu phần, thành phần hóa học của các khẩu phần thí nghiệm trong giai đoạn 5-8 tuần tuổi được trình bày qua Bảng 1 và 2.

Vịt thí nghiệm được cho ăn 2 lần/ngày (7 và 17 giờ). Máng ăn, máng uống được bố trí riêng trong mỗi ngăn chuồng. Thức ăn thừa được thu và cân lại vào sáng hôm sau để tính lượng ăn tiêu thụ hàng ngày. Vịt được cung cấp nước uống đầy đủ suốt ngày đêm.
Thành phần hoá học của thức ăn: vật chất khô (DM), vật chất hữu cơ (OM), protein thô (CP), khoáng tổng số (Ash) được phân tích theo AOAC (1990).
Giá trị ME của các nguyên liệu được tính theo đề xuất của Janssen (1989, dẫn từ NRC, 1994).
Bắp: ME = (36,21×CP)+(85,44×EE)+(37,26× NFE)
Tấm: ME = (46,7xDM)-(46,7xAsh)- (69,55xCP)+(42,95xEE)-(81,95x CF)
Cám: ME=(46,7×DM)-(46,7×Ash)- (69,54×CP)+(42,94×EE)-(81,95×CF)
Đậu nành hạt: ME = (36,63xCP)+(77,96xE E)+(19,87xNFE)
Bột cá: ME = (35,87×DM)- (34,08×Ash)+(42,09×EE).
Lượng thức ăn và dưỡng chất tiêu thụ, tăng khối lượng cơ thể, khối lượng lúc kết thúc giai đoạn 5-8 tuần tuổi.
2.3. Xử lý số liệu
Số liệu được xử lý sơ bộ trên Microsoft Excel (2013) và phân tích bằng ANOVA trên phần mềm Minitab 16.1.0 (2010). Tukey test được sử dụng để so sánh giá trị Mean với độ tin cậy 95%.
3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
3.1. Thành phần dinh dưỡng của thực liệu dùng trong thí nghiệm
Qua Bảng 3 cho thấy hàm lượng DM của bắp, cám, tấm gần tương đương nhau, nằm trong khoảng 86,0-89,8%. Trong đó bột cá là thực liệu dùng để điều chỉnh hàm lượng CP trong khẩu phần nên hàm lượng CP cao (60,4%). Bột cá có CP cao vì đây là loại sử dụng cho gia cầm, kết quả này cao hơn kết quả báo cáo của Nguyễn Đông Hải (2016) là 55,0%. Tuy nhiên, CP này này thấp hơn so với bột cá tra trong nghiên cứu của Phạm Tấn Nhã (2014) là 65,4%. Kết quả ME của bắp trong thí nghiệm này phù hợp với nghiên cứu của Nguyễn Đông Hải (2016) là 15,8 MJ/kg

3.2. Lượng thức ăn, dưỡng chất và ME tiêu thụ của vịt Xiêm
Kết quả trình bày tại Bảng 4 cho thấy lượng DM, OM, CP tiêu thụ giảm dần từ NT0,45 (85,3 g/con/ngày) và đạt cao nhất ở NT0 (88,8 g/con/ngày) và có ý nghĩa thống kê (P<0,05). Tuy nhiên, ở NT0,35, lượng DM thức ăn tiêu thụ lại giảm nhẹ (85,9 g/con/ngày). Kết quả DM tiêu thụ trong thí nghiệm này phù hợp với Iskandar và ctv (2001), nghiên cứu trên vịt Xiêm trống địa phương với mức năng lượng trao đổi là 12,55 MJ/kg và 20% CP có lượng DM tiêu thụ là 85,8 g/con/ngày. Tuy nhiên, kết quả lượng DM tiêu thụ trong thí nghiệm này thấp hơn lượng DM tiêu thụ 117,5 g/con/ngày khi nghiên cứu trên vịt Xiêm giai đoạn 3-6 tuần tuổi với khẩu phần 12,23 MJ/kg và 18% CP của Abd và ctv (2012); Baeza và Leclercq (1998) nghiên cứu trên vịt Xiêm giai đoạn 0-8 tuần tuổi là 106 g/con/ngày, sự chênh lệch này có lẽ do 2 thí nghiệm có sự khác nhau về giống vịt Xiêm, chế độ dinh dưỡng của khẩu phần và điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng. Lượng EE và CF tiêu thụ giảm dần (P<0,05) khi tăng mức chế phẩm probiotic trong khẩu phần do hàm lượng các dưỡng chất này thấp ở các nghiệm thức có mức chế phẩm Probiotic cao.

Lượng ME tiêu thụ giảm dần khi tăng mức probiotic trong các NT (P<0,05), với giá trị thấp ở NT0,35 và NT0,45 (1,09 và 1,08 MJ/ con/ngày) và đạt giá trị cao nhất ở NT0 (1,13 MJ/con/ngày). Kết quả này có thể giải thích là do lượng DM tiêu thụ giảm hơn ở các NT có mức probiotic cao. Kết quả nghiên cứu này phù hợp với kết quả của Dong (2005) nghiên cứu trên vịt Xiêm với khẩu phần có mức năng lượng là 12,9 MJ/kg và 18,8% CP có lượng ME tiêu thụ là 1,13 MJ/con/ngày.
3.3. Tăng khối lượng, khối lượng cơ thể và hệ số chuyển hóa thức ăn của vịt Xiêm
Kết quả tại bảng 5 cho thấy tăng khối lượng thấp nhất ở NT0 (41,5 g/con/ngày) và đạt giá trị cao nhất ở NT0,35 (47,3 g/con/ngày) và sai khác giữa chúng có ý nghĩa thống kê (P<0,05). Kết quả này có thể được giải thích là do lượng DM, OM, CP và ME tiêu thụ giảm dần từ NT0 đến NT0,45 với mức bổ sung probiotic tăng lên qua mức liều sử dụng khuyến cáo dẫn đến tăng khối lượng cao nhất ở NT0,35 và có xu hướng giảm ở NT0,45, điều này cho thấy bổ sung probiotic ở mức phù hợp cho tăng khối lượng cao nhất. Giá trị đạt được của nghiên cứu này cao hơn kết quả nghiên cứu của (Miclosanu và Roibu, 2001) trên vịt Xiêm giai đoạn 5-8 tuần tuổi với khẩu phần ME 12,55 MJ và 18% CP là 34,9 g/con/ngày; Schiavone và ctv (2007), trên vịt Xiêm sử dụng khẩu phần mức ME12,13 MJ, 20% CP là 36,9 g/con/ngày. Tăng khối lượng chênh lệnh giữa các nghiên cứu có thể là do khẩu phần năng lượng, con giống, điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng, điều kiện sinh thái khác nhau.

Khối lượng cơ thể vịt Xiêm lúc kết thúc giai đoạn 5-8 tuần tuổi tương ứng với kết quả tăng khối lượng cơ thể qua các nghiệm thức. Khối lượng cơ thể thấp ở NT0 là 1.890g, sau đó tăng dần và cao nhất ở NT0,35 (2.039g) và sự sai khác giữa chúng có ý nghĩa thống kê (P<0,05), do vịt ở NT0,35 này có tăng khối lượng cao nhất. Kết quả này phù hợp với kết quả nghiên cứu trên vịt Xiêm của Gaafar và ctv (2013), với khối lượng là 1.983g. Tuy nhiên, giá trị tìm thấy của chúng tôi cao hơn kết quả được công bố của (Miclosanu và Roibu, 2001) trên giống vịt Xiêm được nuôi khẩu phần ME 12,55 MJ và 18% CP, có khối lượng là 1.888g và kết quả của Schiavone và ctv (2007), nghiên cứu trên vịt Xiêm sử dụng khẩu phần có ME là 12,13 MJ và 20% CP là 1.828g. Sự khác biệt này có lẽ do khác nhau về chế độ dinh dưỡng và con giống.
Hệ số chuyển hóa thức ăn cao hơn ở 2 NT0 và NT0,25 và thấp nhất ở 2 NT0,35 và NT0,45 có ý nghĩa thống kê (P<0,05). Kết quả này được giải thích là do NT0,35 và NT0,45 có TKL cao hơn so các NT còn lại. Giá trị FCR này phù hợp với kết quả 2,04 nghiên cứu trên vịt Xiêm của Gaafar và ctv (2013). Tuy nhiên, kết quả này thấp hơn 2,71 trên nghiên cứu vịt lai của Baéza (2012), 2,94 trên vịt Xiêm (Miclosanu và Roibu, 2001) là do tác giả tính cho suốt giai đoạn 1-8 tuần tuổi.
Sự chênh lệch về hệ số chuyển hoá thức ăn là do sự chênh lệch về tăng khối lượng và lượng thức ăn tiêu thụ suốt thời gian thí nghiệm giữa nghiệm thức đối chứng với các nghiệm thức có bổ sung chế phẩm Probiotic. Điều này đúng theo phát biểu của Fuller (1999) khi cho rằng những ảnh hưởng có lợi tiềm tàng của chất trợ sinh cho động vật là sự tăng tốc độ tăng trưởng, cải thiện chất lượng thức ăn và giúp cho con vật hấp thu dưỡng chất tốt hơn.
4. KẾT LUẬN
Ở giai đoạn 5-8 tuần tuổi, khẩu phần nuôi vịt Xiêm địa phương có mức bổ sung 0,35% probiotic cho tăng khối lượng và khối lượng cuối giai đoạn này cao hơn.
Nguyễn Thùy Linh*, Nguyễn Thị Đấu , Hồ Quốc Đạt và Nguyễn Thị Kim Quyên
Trường Đại học Trà Vinh