Khảo sát khả năng đáp ứng kháng thể của gà Tàu vàng đối với vaccine phòng bệnh Gumboro

Thí nghiệm được thực hiện nhằm đánh giá khả năng đáp ứng kháng thể của gà Tàu vàng với các loại vaccine Gumboro. Thí nghiệm gồm ba nghiệm thức, nghiệm thức 1 (NT1) gà được tiêm vaccine Gumboro của Công ty Thuốc Thú y Trung ương, nghiệm thức 2 (NT2) tiêm vaccine BAL IBD B38 và gà ở nghiệm thức đối chứng không tiêm vaccine. Gà thí nghiệm được nuôi từ 1 ngày tuổi tại trại chăn nuôi ở quận Bình Thủy. Gà ở NT1 và NT2 được tiêm vaccine Gumboro lần 1 lúc 7 ngày tuổi và lặp lại lúc 21 ngày tuổi. Gà được lấy máu vào lúc 35, 49 và 80 ngày tuổi. Mẫu huyết thanh được xét nghiệm bằng phương pháp ELISA. Kết quả ghi nhận, ở 35 ngày tuổi, hiệu giá kháng thể ở NT1 là 212 ±34, NT2 là 804 ±139, đối chứng là 46±11, sự sai khác này có ý nghĩa thống kê (P<0,05) . Ở 49 ngày tuổi, hiệu giá kháng thể tăng đáng kể ở NT1 và NT2 lần lượt là 3.536±1.168 và 5.527 ±561 nhưng nghiệm thức đối chứng giảm chỉ còn 11±8. Hiệu giá kháng thể đạt mức cao nhất ở 80 ngày tuổi với 5.212 ±795 ở NT1 và 7.997±392 ở NT2. Trong khi đó ở nghiệm thức đối chứng, hiệu giá giảm đến mức thấp nhất (0).

ĐẶT VẤN ĐỀ

Bệnh Gumboro là một bệnh cấp tính do IBDV (infectious bursal disease virus) gây ra ở gà. Tỷ lệ nhiễm bệnh có thể lên đến 100% (Berg & cs, 2000) và tỷ lệ chết từ 25%-60% (Nunoya & cs, 1992). Khi bệnh Gumboro nổ ra thì 100% số đàn gà bệnh bị kế phát bởi những bệnh khác, tạo thành những bệnh ghép phức tạp, đây chính là nguyên nhân chủ yếu gây chết với tỷ lệ cao đối với những đàn gà bị bệnh Gumboro (Lê Văn Năm, 1996). Do đó để khống chế bệnh Gumboro ngoài công tác vệ sinh an toàn sinh học thì phòng bệnh bằng vaccine là biện pháp tích cực và hiệu quả nhất. 

Trên thị trường nước ta hiện nay có khá nhiều loại vaccine phòng bệnh Gumboro có nguồn gốc từ trong nước như và vaccine nhập ngoại. Việc đánh giá hiệu lực, độ an toàn của vaccine cũng như lựa chọn vaccine tiêm phòng đạt hiệu quả và mang lại hiệu quả kinh tế phù hợp với với hình thức và qui mô chăn nuôi khá đa dạng như hiện nay ở Việt Nam là vấn đề cần được quan tâm. Từ thực tế trên, nghiên cứu khảo sát khả năng đáp ứng kháng thể của gà Tàu Vàng đối với vaccine Gumboro của Công ty Thuốc Thú y Trung ương và Bal-IBD B38 của Singapore được thực hiện nhằm mục tiêu đánh giá hiệu lực miễn dịch của hai loại vaccine nội và ngoại đối với phòng bệnh Gumboro.

VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP

Vật liệu

Thí nghiệm được hiện từ tháng 7 năm 2013 đến tháng 11 năm 2013 tại trại chăn nuôi ở Phường Thới An Đông, Quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ.

Đối tượng nghiên cứu là giống gà Tàu vàng.

Chăm sóc nuôi dưỡng: trong giai đoạn nuôi úm từ 1-30 này gà được trên chuồng lồng và sưởi bằng đèn tròn 75W, sử dụng thức ăn hỗn hợp của công ty Proconco C225 dành cho gà con từ 1-42 ngày. Giai đoạn sau 30 ngày gà được chuyển sang nuôi nền và sử dụng thức ăn C235 cho gà trên 42 ngày tuổi, gà được cho ăn uống tự do. Gà được phòng các bệnh như Newcastle, Gumboro, cúm vào các thời điểm lần lượt là 3 ngày, 7 ngày và 15 và tiêm lặp lại Newcastle vào lúc 18 ngày tuổi, Gumboro lúc 21 ngày tuổi và cúm lúc 30 ngày tuổi.

Phương pháp 

Thí nghiệm được bố trí theo kiểu hoàn toàn ngẫu nhiên gồm ba nghiệm thức, mỗi nghiệm lặp lại 3 lần. Số gà trong mỗi nghiệm thức 21 con. Tổng số gà thí nghiệm 63 con. Nghiệm thức đối chứng, gà được tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine theo qui trình nhưng không tiêm vaccine Gumboro. Nghiệm thức 1: gà được tiêm vaccine phòng bệnh Gumboro của Công Ty Thuốc Thú y Trung ương (vaccine nội) và các loại vaccine theo qui trình. Nghiệm thức 2: gà được tiêm vaccine phòng bệnh Gumboro Bal-IBD B38 (vaccine nhập) và các loại vaccine theo qui trình.

Tiến hành lấy máu ở tĩnh mạch cánh của gà sau khi tiêm vaccin lần 2 được 14 ngày (35 ngày tuổi), 28 ngày (49 ngày tuổi) và sau đó lấy định kỳ mỗi tháng một lần. Số mẫu cần lấy trong mỗi lần là 1/3 số gà thí nghiệm tương đương 7 mẫu. Mỗi con lấy 0,5-1ml máu cho vào ống nghiệm, ghi lại ký hiệu của gà thí nghiệm. Đặt ống nằm nghiêng cho máu đông đến khi có huyết thanh đem ly tâm 2000 vòng/phút trong 15 phút, chiết lấy huyết thanh cho vào ống eppendorf. 

Các mẫu huyết thanh được xét nghiệm bằng phản ứng ELISA. Huyết thanh được pha loãng theo tỷ lệ 1/500 với dung dịch pha mẫu. Qui trình ELISA được thực hiện theo tiêu chuẩn kít ELISA của hãng IDEXX. Đọc kết quả bằng máy ELISA ở bước sóng 650 nm. Đánh giá kết quả dựa vào chỉ số S/P. Giá trị S/P nhỏ hơn hoặc bằng 0,2 (hiệu giá kháng thể nhỏ hơn hoặc bằng 396) cho kiểm tra huyết thanh âm tính, lớn hơn 0,2 cho kiểm tra huyết thanh dương tính (có đáp ứng miễn dịch). Hiệu giá kháng thể được chuyển đổi từ giá trị S/P theo công thức: Hiệu giá kháng thể = 101,09 (log10S/P)+3,36

Xử lý số liệu

So sánh hiệu giá kháng thể trung bình giữa các nghiệm thức bằng phép thử t của phần mềm Mintab 16.

KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

Tình trạng sức khoẻ của đàn gà sau khi tiêm vaccine 

Qua ghi nhận trong quá trình thí nghiệm, sau khi tiêm vaccine có 2 gà ở nghiệm thức tiêm vaccine Bal-IBD B38 có biểu hiện mệt mỏi, ăn ít hơn những con khác. Tuy nhiên trạng thái này trở lại bình thường ở ngày hôm sau, sau khi gà được nghỉ ngơi. Những biểu hiện ở trên có thể là do gà còn nhỏ, khi tiêm vaccine cầm bắt gà nên có biểu hiện mệt mỏi. Qua đó cho thấy khi tiêm vaccine của Công Ty Thuốc Thú y Trung ương và Bal-IBD B38 không gây sốc cho gà thí nghiệm, an toàn khi sử dụng.

Kết quả kiểm tra huyết thanh học

Bảng 1. Tỷ lệ đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm vaccine lần hai 14 ngày (lúc gà 35 ngày tuổi)

Ghi chú: a,,b,c ở các giá trị mang chữ cái khác nhau trong cùng một cột sai khác có ý nghĩa thống kê P<0,05X: giá trị trung bình

Từ kết quả bảng 1 cho thấy tại 35 ngày tuổi, gà ở nghiệm thức đối chứng (không tiêm vaccine Gumboro) có hiệu giá kháng thể rất thấp, trung bình 46±29, không đủ khả năng bảo hộ. Theo nghiên cứu của Nguyễn Hồng Minh & cs (2011), khi gà không được tiêm phòng vaccine thì tại thời điểm 7 ngày tuổi đều âm tính qua xét nghiệm ELISA (hiệu giá từ 119 đến 154). Thời gian bán hủy của kháng thể thường 4-5 ngày, cho nên ở 35 ngày tuổi thì hầu hết gà không còn kháng thể hoặc kháng thể còn tồn tại chỉ ở một số ít gà nhưng với hiệu giá rất thấp. Trong khi đó ở nghiệm thức 1 và 2, gà được tiêm vaccine có hiệu giá kháng thể cao hơn so với nghiệm thức đối chứng có ý nghĩa thống kê (P<0,05). Qua đó cho thấy gà có đáp ứng kháng thể 2 tuần sau khi chủng vaccine. Gà ở nghiệm thức 1 có hiệu giá kháng trung bình là 212±34 nhưng chưa tới mức miễn dịch chống lại bệnh Gumboro, như tiêu chuẩn của bộ kit quy định qua xét nghiệm ELISA phải có hiệu giá lớn hớn hoặc bằng 396. Theo Lê Văn Năm (2004) sau khi tiêm vaccine 2 đến 3 tuần thì cơ thể sẽ tạo được miễn dịch, bình thường khi kháng nguyên mới vào cơ thể đã kích thích hệ thống miễn dịch nhưng cơ thể không thể sản sinh ra ngay kháng thể mà phải trải qua một thời gian nhất định. Ở nghiệm thức 2, hầu hết gà đều cho đáp ứng miễn dịch tốt thể hiện qua hiệu giá kháng thể cao (804±194). 

Qua ghi nhận từ bảng 2, ở NT1 và NT2 sau khi tiêm vaccine lần 2 được 28 ngày tương ứng với gà được 49 ngày tuổi, 100% gà đáp ứng miễn dịch với hiệu giá kháng thể khá cao lần lượt 3.536 và 5.527. Với hiệu giá kháng thể này theo tiêu chuẩn đánh giá của bộ kit ELISA thì đàn gà hoàn toàn được bảo vệ khỏi bệnh Gumboro. Theo kết quả nghiên cứu của Nguyễn Hồng Minh & cs (2011), gà sử dụng hai lần vaccine Gumboro vào lúc 7 và 14 ngày tuổi, hiệu giá kháng thể đạt cao nhất ở 42 ngày tuổi (2.289,79±18,26 với vaccine đơn giá và 1.995,01±24,28 với vaccine đa giá) với mức hiệu giá này thì gà hoàn toàn được bảo hộ khi công cường độc. Kết quả nghiên cứu của Otsyina & cs (2009), khi hiệu giá kháng thể của gà từ 1.571±103,39 đến 1.870±163,56 khi công cường độc thì hầu hết gà được bảo hộ khi công cường độc. Mặc dù, hiệu giá kháng thể ở NT2 cao hơn NT1 những nhưng sự sai khác này không có ý nghĩa thống kê (P=0,163). 

Bảng 2 Tỷ lệ đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm vaccine lần hai 28 ngày (lúc gà 49 ngày tuổi)

Ghi chú: a,b ở các giá trị mang chữ cái khác nhau trong cùng một cột sai khác có ý nghĩa thống kê P<0,05, X: giá trị trung bình

Bảng 3 Tỷ lệ đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm vaccine lần hai lúc gà 80 ngày tuổi

Ghi chú: a,b ở các giá trị mang chữ cái khác nhau trong cùng một cột  sai khác có ý nghĩa thống kê P<0,05, X: giá trị trung bình

Kết quả bảng 3 cho thấy, ở NT1 và NT2 vẫn duy trì 100% gà có miễn dịch với hiệu giá thể vẫn đạt mức cao, lần lượt là 5212 ±795 và 7.997±392. Vaccine của Công Ty Thuốc Thú y Trung ương và Bal IBD B38 đều là vaccine sống nên sẽ tạo được miễn dịch bền và kéo dài. Theo Võ Thị Trà An và Võ Ngọc Bảo (2011), khi sử dụng vaccine sống thường tạo đáp ứng miễn dịch lâu dài do vi sinh vật có khả năng nhân lên và tồn tại trong cơ thể vật chủ. Khi hiệu giá càng cao thì khả năng bảo hộ càng tốt. Ở 80 ngày tuổi, hiệu giá kháng thể ở cả hai đều đạt mức bảo hộ nhưng hiệu giá ở nghiệm thức 2 cao hơn nghiệm thức 1 có ý nghĩa thống kê (P=0,014). Điều này có thể do khác nhau lượng kháng nguyên có trong mỗi liều vaccine hoặc khác nhau về chủng virus của vaccine. Theo nghiên cứu của Islam & cs (2005), khi tiêm vaccine Nobilis Gumboro D78 và Nobilis Gumboro 228E của Intervet Hà Lan, Bur 706 của Merial Pháp, kết quả ghi nhận gà cho đáp ứng miễn dịch với hiệu giá khác nhau.

Theo Hồ Thị Việt Thu (2012), bệnh Gumboro thường xảy ra nhất ở các đàn gà không được tiêm vaccine (70%), kế đến là đàn gà chỉ được tiêm vaccine một lần (62,5%), và đàn gà được tiêm vaccine hai lần (28,57%). Cho nên việc tiêm phòng vaccine đầy đủ và đúng qui trình là cần thiết để tạo miễn dịch cho đàn gà, nếu việc tiêm phòng không được thực hiện hoặc không đầy đủ thì nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn gà là rất cao. 

KẾT LUẬN

Vaccine Bal IBD B38 tạo miễn dịch đủ bảo hộ sau 2 tuần tiêm lặp lại lần 2 (gà 35 ngày tuổi). Vaccine của Công Ty Thuốc Thú y Trung uơng tạo miễn dịch sau 2 tuần tiêm lặp lại và kháng thể đủ bảo hộ ở tuần thứ tư (gà 49 ngày tuổi). Cả hai loại vaccine đều an toàn khi sử dụng và tạo miễn dịch đủ bảo hộ 100% gà đến 80 ngày tuổi. 

Huỳnh Ngọc Trang1*, Trần Ngọc Bích1, Trương Hùng Cường2

1 Bộ môn Thú y, Khoa Nông nghiệp & SHUD, Trường Đại học Cần Thơ

2Lớp Cao học thú y K21

Channuoivietnam.com © 2013 được phát triển bởi Viện Công Nghệ Sáng Tạo - Email: dohuuphuong2010@gmail.com - ĐT: 0908.255.265 Trang chủ